Hiện nay, thời tiết đang vào mùa nắng nóng gay gắt, dự báo còn kéo dài trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường nuôi thủy sản. Để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản, các hộ dân cần lưu ý một số vấn đề sau:

Đối với nuôi tôm nước lợ

– Thiết kế ao lắng có độ sâu khoảng 2 – 3 m, vừa xử lý nước cấp và diệt tạp trước khi đưa vào ao nuôi vừa là nguồn nước dự trữ để bù đắp vào ao tôm khi mực nước trong ao bị cạn do nước bị bốc hơi khi trời nắng nóng.

– Duy trì mức nước ao nuôi trên 1,2 m, dùng lưới lan để che trên bề mặt ao nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ nước trong ao, tránh sốc nhiệt cho tôm. 

– Chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, hàng ngày kiểm tra các thông số môi  trường như nhiệt độ, độ mặn, pH ,Ôxy, độ kiềm,….

– Thả giống khi trời mát, tránh gây stress cho tôm.

Nên có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm chống chống bệnh thủy sản nhất là trong mùa nắng nóng. Ảnh: NTN

– Định kỳ sát trùng nước ao nuôi (có thể dùng Sodium Chloride 20%); sử dụng các loại chế phẩm sinh học, khoáng chất để xử lý nước và đáy ao nuôi, tạo hệ vi khuẩn có lợi, lấn át vi khuẩn có hại phát triển.  

– Kiểm soát chặt chẽ lượng thức ăn, tránh tồn đọng gây ô nhiễm môi trường ao nuôi; giảm lượng thức ăn vào thời điểm nắng nóng hoặc môi trường biến động (cho ăn khoảng 60 – 70% lượng thức ăn hằng ngày), tăng lượng thức ăn vào lúc  trời mát. 

– Sử dụng men tiêu hóa, vitamin C và khoáng chất trộn vào thức ăn cho tôm định kỳ 10 – 15 ngày/ đợt, mỗi đợt kéo dài  từ 5 – 7 ngày, để tăng sức đề kháng của tôm. 

– Thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm nuôi, khi tôm nuôi có dấu hiệu bị bệnh, người nuôi cần báo ngay cơ quan chức năng địa phương để kiểm tra, lấy mẫu, xét nghiệm bệnh. Trong thời gian chờ kết quả, không xả thải nước ra môi trường để phòng ngừa dịch bệnh lây lan. 

Đối với nuôi lồng bè trên biển

– Đặt lồng nuôi ở vị trí có độ sâu thích hợp (đáy lồng cách đáy biển ít nhất 1,5 – 2 m), khoảng cách giữa các lồng nuôi đảm bảo độ thông thoáng, thuận tiện trong quá trình chăm sóc, quản lý, vệ sinh lồng nuôi. 

– Lựa chọn con giống khỏe mạnh, không có dấu hiệu bị bệnh; thả nuôi với mật độ phù hợp; thả giống vào lúc trời mát, tránh gây sốc môi trường. 

– Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường, nhất là vào thời điểm thời tiết thay đổi đột ngột.

Thường xuyên kiểm tra sức khỏe cá nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Ảnh: NTN

– Kiểm tra tình trạng sức khỏe, hoạt động của tôm, cá và mức độ sử dụng thức ăn để có điều chỉnh hợp lý. 

– Định kỳ kiểm tra, vệ sinh lồng nuôi, tránh tình trạng rong rêu bám bịt lỗ lưới, đảm bảo điều kiện trao đổi nước giữa trong và ngoài lồng nuôi, tạo môi trường sạch sẽ, thông thoáng. 

Đối với nuôi cá nước ngọt

– Luôn giữ cho môi trường ao nuôi sạch sẽ, tránh gây xáo trộn môi trường trong quá trình nuôi.  

– Duy trì mực nước trong ao từ 1,5 – 2 m, đồng thời thả bèo tây (khoảng 30% diện tích mặt nước ao) để làm chỗ trú cho cá. 

– Định kỳ 10 – 15 ngày dùng vôi bột với liều lượng 1 – 2 kg/100 m2 hoà tan nước để tạt bề mặt ao.  

– Cá thả nuôi khỏe mạnh, mật độ vừa phải. Cho ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng.  

– Thường xuyên bổ sung vitamine C để tăng sức đề kháng cho cá.  

– Theo dõi các hoạt động của cá, kịp thời phát hiện cá bị bệnh cách ly để điều trị. 

– Đối với nuôi cá lồng bè: đảm bảo độ sâu của lồng nuôi ở mức 2,5 – 3 m; thường xuyên vệ sinh, kiểm tra, tu sửa lồng nuôi; định kỳ bổ sung thêm vitamin C, khoáng chất vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá nuôi; treo các túi vôi ở các góc lồng nuôi để phòng bệnh cho cá,… 

Nguồn: tepbac.com

TIN KHÁC