Phát triển thủy điện ồ ạt ở Tây Nguyên: Tổn hại môi trường, phá vỡ hệ sinh thái
- 05/09/2019
- 0
Việc ồ ạt phát triển thủy điện trên các sông lớn của Tây Nguyên đã và đang gây ra nhiều hệ lụy lớn đến môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Nguồn nước ở Tây Nguyên đang ngày càng giảm sút nghiêm trọng, các con sông lớn đang bị tận diệt sức sống, diện tích rừng mất đi ngày càng tăng cao… là những vấn đề nổi cộm được cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học đặc biệt quan tâm thảo luận tại Hội thảo “An ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên” tổ chức tại Gia Lai ngày 22/7.
Biểu đồ hệ thống thủy điện dày đặc trên sông Đồng Nai
“Tận diệt” sức sống của các dòng sông
Tây Nguyên có nguồn tài nguyên nước dồi dào, phong phú với 4 hệ thống sông chính: Sê San, Sêrêpốk, sông Ba và sông Đồng Nai. Thêm điều kiện địa hình, địa chất thuận lợi, các dòng sông trên có tiềm năng khá lớn về phát triển thủy điện. Chính vì thế, Tây Nguyên đã trở thành hiện tượng “sốt thủy điện”. Từ lúc đầu chỉ có 7 công trình thủy điện lớn, thì đến năm 2015 đã có 190 công trình thủy điện lớn và nhỏ trên cả 4 hệ thống sông.
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ – Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu đã nêu rõ hệ lụy do việc ồ ạt phát triển các công trình thủy điện trên hệ thống sông Tây Nguyên. Đầu tiên là thủy điện Sêrêpốk 4A trên dòng SêrêPốk. Thủy điện này đã ngăn dòng, chuyển nước qua kênh đào lớn xuống đoạn sông 20km hạ lưu thủy điện SêrêPốk 4. Chính điều này làm đoạn sông từ sau đập thủy điện Sêrêpốk 4 và Sêrêpôk 4A bị cạn kiệt có nguy cơ trở thành đoạn sông “chết”.
Vì vậy, lưu lượng nước 8,23m3/giây mà thủy điện SêrêPốk4A trả về cho đoạn sông này vẫn là quá thấp so với dòng chảy sinh thái vốn có của con sông này. Thêm vào đó, nạn phá rừng đã làm dòng sông Sông Sêrêpốk lớn thứ 2 Tây Nguyên đang thay đổi theo hướng tiêu cực, hung dữ hơn về mùa mưa và cạn kiệt hơn về mùa khô.
Bản đồ các công trình thủy điện trên sông Sê San ở Việt Nam
Tiếp đến, sông Sê San được mệnh danh là con sông “năng lượng” khi có tới 7 công trình thủy điện lớn đã được xây dựng, vận hành. Ngoài ra, còn có 238 công trình thủy lợi khác cũng đã, đang và sẽ được triển khai xây dựng. Chính vì vậy, con sông này phải chịu ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đối với môi trường sinh thái, kinh tế. Diện tích đất rừng và nông nghiệp bị mất, cảnh quan thiên nhiên thay đổi. Đặc biệt, thủy điện Thượng Kon Tum trên sông Sê San đang được xây dựng, sau khi phát điện sẽ không trả nước về dòng chính mà trả về sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi. Điều này khiến hệ sinh thái, môi trường vùng hạ du sông Sê San sẽ phải đối mặt với hiểm họa có thể nhìn thấy trước, và sẽ còn ghê gớm hơn những gì mà thủy điện An Khê – Kanak đã gây ra cho vùng hạ lưu sông Ba (Gia Lai).
“Việc chuyển đổi dòng chảy của các thủy điện là rất đáng lo ngại. Tất cả các dự án thủy điện phải vô cùng thận trọng và phải tránh. Thực tế, thủy điện đang tận diệt sức sống của những dòng sông lớn nhất Tây Nguyên, gây mất diện tích rừng lớn”, tiến sĩ Đào Trọng Tứ nhấn mạnh.
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ: “Thủy điện đang tận diệt những dòng sông lớn nhất Tây Nguyên”
Đánh đổi nhiều thứ
Theo đánh giá của hội thảo, một hồ thủy điện cỡ 10MW chạy vào khoảng 60% công suất trong các tháng mùa khô có thể xóa sổ hàng trăm ha rừng. Tính trung bình 1MW thủy điện đã chiếm tới 14,5 ha đất các loại, làm ảnh hưởng 5,5 hộ dân, trong đó 1,5 hộ phải di dời. Chỉ với 25 công trình thủy điện lớn tại Tây Nguyên đã và đang xây dựng đã chiếm dụng hơn 68.000 ha đất, làm ảnh hưởng đến gần 26.000 hộ dân. Các tỉnh đã phải chuyển đổi 80.000 ha đất các loại cho các dự án thủy điện.
Trong khi đó, việc trồng rừng thay thế chưa đủ so với diện tích rừng phục vụ thủy điện. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn Tây Nguyên hiện tại mới chỉ trồng lại được khoảng 3,3% diện tích rừng phải chuyển đổi. Chỉ tính riêng tỉnh Đắk Lắk, các dự án thủy điện phải trồng mới hơn 845 ha, nhưng hiện chỉ trồng được 63 ha. Tại tỉnh Lâm Đồng, hầu hết các thủy điện chưa được bố trí đất để trồng rừng thay thế.
Việc người dân phải nhường đất cho thủy điện làm thay đổi tập quán văn hóa, sản xuất lâu đời của người dân bản địa Tây Nguyên. Người dân phải di dời đến nơi khác, điều kiện sản xuất và đời sống không bằng nơi ở cũ, phải mất nhiều năm mới khắc phục được. Do chậm trễ trong việc đền bù, bố trí tái định cư thủy điện cũng đã gián tiếp gây nên nạn phá rừng.
Toàn cảnh Hội thảo “An ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên”
PGS.TS Huỳnh Phú – Đại học Tài nguyên môi trường Hà Nội gay gắt: “Khi làm thủy điện đã không tính tới việc mất đi bao nhiêu vị trí. Việc phải làm sao cho sinh kế của người đồng bào dân tộc Tây Nguyên tốt nhất chứ không phải cứ đẩy họ lùi sâu vào trong rừng để mà thu tiền. Thủy điện hiện nay đang làm người dân nghèo đi, làm khổ đi, đặc biệt là người đồng bào Tây Nguyên”. Cụ thể như thủy điện Buôn Kuôp khiến đời sống người dân buôn Rai, xã Ea Na (huyện Krông Na, Đắk Lắk) vô cùng khốn khổ.
Theo bà Phan Thị Lệ Anh – Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, các công trình thủy điện đã tác động lớn đến chế độ thủy văn, chất lượng nước, môi trường ảnh hưởng đến đời sống. Đặc biệt là thủy sản trên các hệ thống sông. Cần có giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản.
Một vấn đề nữa rất được quan tâm hiện nay là làm thủy điện trong rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Nó không chỉ gây hại lớn đến môi trường, làm mất nguồn gen mà còn có nguy cơ bị mất rừng rất lớn. “Từ nay về sau không thể để bất cứ thủy điện nào được xây dựng trong đây vì thủy điện là tài sản riêng mà lại đặt trong vườn quốc gia là tài sản chung đã được pháp luật quy định, là cấm tuyệt đối xâm hại, nếu xây dựng là phạm pháp”, tiến sĩ Đào Trọng Tứ nhấn mạnh.
(Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn)