Đắk Lắk – Địa phương có điều kiện tự nhiên đặc trưng

      Đắk Lắk có hệ thống sông suối phong phú cùng hàng trăm hồ chứa và hồ tự nhiên lớn nhỏ, với tổng diện tích hơn 42.000 ha. Nổi bật, các nhánh sông Srêpốk chảy qua địa bàn Đắk Lắk được xem là nơi có nguồn lợi thủy sinh vật tự nhiên phong phú nhất của hệ thống sông Mê Kông ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng về kinh tế – xã hội đã tạo nên một áp lực lớn về tài nguyên nước, nhất là nhu cầu về nước cho sinh hoạt và sản xuất ngày càng cao, các nguồn nước mặt bị khai thác quá mức; khai thác thủy sản bằng các ngư cụ hủy diệt và khai thác thủy sản không đúng mùa vụ; cùng với việc các công trình thủy điện chắn dòng ảnh hưởng đến quá trình di cư sinh sản của các đối tượng đã làm sản lượng khai thác sụt giảm nghiêm trọng. Mặt khác, do biến đổi khí hậu Đắk Lắk đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề liên quan tới nước như hạn hán, bão lụt và các hiệu thiên tai khác. Nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quản trị nước, bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao đời sống của các cộng đồng địa phương trong lưu vực sông Srêpốk theo hướng bền vững. Thời gian qua, Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quản trị tài nguyên tại khu vực Tây Nguyên, Việt Nam” hỗ trợ phục hồi sinh kế từ những mô hình kinh tế phù hợp tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã phát huy hiệu quả. Đây là dự án do 03 tổ chức đồng thực hiện là: Trung tâm Thiên nhiên và Con người, Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội. Trong đó, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) đảm trách thực hiện mảng tài nguyên nước và thủy sản tại tỉnh Đắk Lắk.

Đắk Lắk được xem là nơi có nguồn lợi thủy sinh vật tự nhiên phong phú nhất của hệ thống sông Mê Kông ở Tây Nguyên.

      Hiệu quả từ hoạt động nâng cao nhận thức về Quản trị tài nguyên Nước

      Triển khai từ đầu năm 2016, trong khuôn khổ hoạt động dự án “Quản trị tài nguyên Nước” Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) đã thành lập 04 mô hình sinh kế cộng đồng tại 03 thôn Ea Tung (huyện Krông Ana), thôn Tân Phú và Na Wer (huyện Buôn Đôn) và xã Yang Tao (huyện Lắk). Nhờ trao quyền tự chủ cho người dân, hỗ trợ nguồn vốn bình quân từ 25.000.000đ – 50.000.000đ/nhóm, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, giám sát chặt chẽ đã giúp các hộ dân thay đổi nhận thức về quản trị tài nguyên nước, đầu tư sản xuất chăn nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên cải thiện cuộc sống. Trong quá trình hoạt động dự án, CSRD đã triển khai các lớp tập huấn nhằm trang bị cho các hộ dân kiến thức và kỹ năng thực tế trong tổ chức và điều hành các nhóm nông dân, lập kế hoạch sản xuất và kinh doanh theo hình thức liên kết nhóm hộ, tiếp thu các vấn đề về khoa học kỹ thuật nông nghiệp áp dụng vào sản xuất để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập…

      Bà Phạm Thị Diệu My, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội – Huế cho biết: “Từ những hoạt động nâng cao nhận thức về quản trị nước tại tỉnh Đắk Lắk đã góp phần thúc đẩy sự tham gia của các nhóm cộng đồng vào quản trị tài nguyên nói chung, tài nguyên thủy sản nói riêng. Dự án còn tổ chức các hoạt động nghiên cứu, đánh giá, phát triển cộng đồng, vận động chính sách và các nội dung lồng ghép khác. Các mô hình sinh kế cộng đồng tại Đắk Lắk bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực đối với công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại địa phương, đóng góp vào bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao đời sống các cộng đồng địa phương một cách bền vững”.

Bên cạnh hỗ trợ mô hình sinh kế CSRD còn tập trung vào quá trình nâng cao năng lực liên quan đến quản trị tài nguyên cho cộng đồng.

Mô hình sinh kế cộng đồng với tiêu chí lấy cộng đồng làm trung tâm phát triển chính

      Anh Mạc Văn Thanh, nhóm phó Nhóm thủy sản Tân Phú chia sẻ: “Tổ hoạt động với 15 thành viên đến từ các hộ gia đình khác nhau trong thôn, mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá trên hồ thủy điện Srêpốk 3. Tham gia nhóm, các hộ được hỗ trợ nuôi cá tập trung thành một lồng lớn có diện tích 360m2, thả nuôi các loại cá lóc, cá rô phi, cá trắm… Trong quá trình nuôi, các thành viên trong nhóm cùng nhau phân công chăm sóc và canh giữ lồng nuôi cá, chấp hành quy định về sử dụng thức ăn sạch, không dùng chất cấm”.

      Nuôi cá nước ngọt trong ao của Nhóm thủy sản Ea Tung, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk cũng là mô hình sinh kế mang lại hiệu quả cao cho 12 thành viên trong nhóm. Sau hơn 3 năm thực hiện mô hình, cái được nhất khi tham gia nhóm thủy sản này là các thành viên đều được tập huấn và áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc từ khâu xử lý ao nuôi đến chăm sóc, cách chế biến thức ăn, cho cá ăn sao cho đúng cách nên đã hạn chế tối đa dịch bệnh, đồng thời chất lượng cá được đảm bảo và nâng cao thu nhập cho các thành viên. Hiện nay, cùng với chăm sóc ao cá chung rộng 3.000 m2 của nhóm, các hộ thành viên còn truyền đạt kinh nghiệm mở rộng diện tích nuôi cá tại gia đình kết hợp với nuôi heo lai rừng và sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những kết quả bước đầu của mô hình nuôi cá nước ngọt tập trung theo nhóm hộ thôn Ea Tung, xã Ea Na, huyện Krông Ana đang là một trong những hướng phát triển kinh tế mới, vừa đem lại hiệu quả thiết thực, vừa giúp các hộ dân gắn bó giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại địa phương.

      Các mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định về mặt kinh tế cho các hộ nuôi tham gia, giá thành và đầu ra đều rất ổn định. Bên cạnh các giá trị về mặt kinh tế, mục tiêu và lợi ích hoạt động chính của nhóm khi tham gia dự án là bảo đảm phát triển các hoạt động sinh kế, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, khai thác và quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước ở khu vực sông Srêpốk. Trong thời gian tới, các nhóm đang có dự định phát triển và mở rộng quy mô của lồng nuôi; thành lập và kết nối các hợp tác xã hoạt động về thủy sản; xây dựng mô hình du lịch tham quan cộng đồng với các điểm nhấn là hồ nuôi cá lồng, vườn tiêu, vườn cam quýt với phương thức canh tác hữu cơ…

Nuôi cá trong lòng hồ thủy điện của nhóm Tân Phú (huyện Buôn Đôn)

      Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản chia sẻ thêm: “Cùng với thực hiện các mô hình thúc đẩy sự tham gia của của cộng đồng trong quản lý tài nguyên thủy sản, Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quản trị tài nguyên tại khu vực Tây Nguyên, Việt Nam” tại tỉnh Đắk Lắk còn xây dựng xây dựng mô sản xuất và kinh doanh theo hình thức liên kết nhóm hộ. Dự án đã hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác Tân Phát vào năm 2016. Tổ hợp tác chuyên sản xuất hồ tiêu, cà phê sạch tại xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn được triển khai dựa trên nhu cầu thực tế và đề xuất của chính các hộ dân nơi đây. Tham gia sản xuất theo hình thức liên kết nhóm, ngoài việc thay đổi nếp nghĩ cách làm, các thành viên còn giúp đỡ nhau bằng hình thức xây dựng quỹ nhóm, cho vay xoay vòng để đầu tư vào sản xuất.”.

Chú trọng tái tạo nguồn lợi thủy sản, khai thác thủy sản theo hướng bền vững

      Để tái tạo, bổ sung nguồn lợi thủy sản, từ năm 2016 đến nay, Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quản trị tài nguyên tại khu vực Tây Nguyên, Việt Nam” phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng hỗ trợ các biện pháp thả cá bổ sung, đánh bắt cá bền vững và các sáng kiến sinh kế bền vững kết hợp với bảo tồn các hệ sinh thái tại một số hồ tự nhiên, các khu vực ven sông cho các chi hội nghề cá Na Wer, huyện Buôn Đôn; chi hội nghề cá hồ Buôn Triết và chi hội nghề cá Liên Sơn, huyện Lắk. Theo đó, các chi hội nghề cá được tham quan thực tế mô hình quản lý tài nguyên nước, quản lý mặt nước tại một số tỉnh trong khu vực; chia sẻ kinh nghiệm, cách thức hoạt động, quy chế quản lý của chi hội Nghề cá; tham gia các hoạt động bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến phát triển nguồn lợi thủy sản trong môi trường tự nhiên. Đồng thời qua các đợt thả cá bổ sung, Chi cục Thủy sản Đắk Lắk cũng đã lồng ghép tuyên truyền các văn bản, quy định của Nhà nước về lĩnh vực thủy sản để cán bộ địa phương, các tổ chức, cá nhân được giao quản lý hồ, đập và nhân dân hiểu và nghiêm túc thực hiện nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại hồ Lắk.

      Xây dựng các mô hình sinh kế cộng gắn với bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, khai thác và quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước đang là hướng đi đúng đắn và cần thiết đối với tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung.

Thanh Tâm – CSRD

TIN KHÁC