Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã mở đầu bài phát biểu đầy ấn tượng như vậy tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản.

Ngành thủy sản đã có nhiều thành tựu nổi bật

Sáng 29/3, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản và 10 năm ngày ra mắt Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết: Trong 65 năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển và hội nhập với nhiều thành tựu nổi bật. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 1995 đến nay, ngành thủy sản đã có những bứt phá vượt bậc.

Sản lượng thủy sản năm 2023 đạt hơn 9,3 triệu tấn, gấp 7,1 lần so với năm 1995, nuôi trồng thủy sản đạt 5,5 triệu tấn, gấp hơn 5 lần so với năm 1995. Cơ cấu sản lượng thủy sản có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng từ 31% năm 1995 lên gần 57% năm 2023.

Với sự năng động sáng tạo, vượt qua bao khó khăn thử thách, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 thị trường, kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 1 tỷ USD năm 1999 và gần 11 tỷ USD năm 2022, đưa Việt Nam vào vị trí số 3 trong các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Na Uy, Việt Nam).

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết: Trong 65 năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển và hội nhập với nhiều thành tựu nổi bật.

“Với truyền thống lâu đời và bằng sự bền bỉ phấn đấu không ngừng, toàn thể cán bộ, ngư dân, lao động trong ngành thủy sản đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, phát triển ngành thủy sản từ một lĩnh vực sản xuất nhỏ, vươn lên trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khối nông, lâm, ngư nghiệp và đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho đất nước, cải thiện rõ rệt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của bà con ngư dân, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc”, ông Luân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết: “Sau 10 năm ra mắt đi vào hoạt động, tuy thời gian chưa dài nhưng đây là chặng đường đầu tiên, đánh dấu nhiều sự kiện với  nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, tồn tại và thách thức phải vượt qua, vừa thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật chống khai thác IUU, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; vừa củng cố kiện toàn xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế và đầu tư cơ sở hạ tầng, đóng mới tàu, xuồng kiểm ngư; từng bước nâng cao năng lực, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

“Thời gian tới, lực lượng Kiểm ngư sẽ quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Bộ NN-PTNT giao; hỗ trợ, đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế; thực thi pháp luật và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; chống khai thác IUU vì một ngành thủy sản xanh, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; hướng tới chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; giữ vững an ninh, trật tự nghề cá trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Hùng khẳng định.

“Hải trình” hướng đến một nền thủy sản minh bạch, trách nhiệm, bền vững

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã mở đầu bài phát biểu bằng một câu hỏi đầy niềm tự hào và nhiều gửi gắm đến ngành thủy sản Việt Nam: “Tôi yêu thủy sản, tôi yêu kiểm ngư, còn bạn thì sao?”.

Bộ trưởng nói: “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” – Trọng trách gìn giữ, bảo vệ, phát triển bền vững vùng nước vùng biển rộng lớn của quê hương luôn có sự đóng góp, chung sức, chung lòng của ngành thủy sản, lực lượng kiểm ngư, cùng bà con ngư dân, cộng đồng doanh nghiệp, người dân gắn bó với ngành nghề thủy sản…

Ghi nhớ lời gửi gắm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”, 65 năm qua, ngành thủy sản vững bước phát triển nhanh, toàn diện và ổn định, trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng của đất nước, đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng Tổ quốc.

Để phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, hội nhập trên cơ sở bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đảm bảo thực thi pháp luật về thủy sản trên các vùng biển, chủ trương thành lập lực lượng Kiểm ngư được thông qua. 2024 đánh dấu hành trình 10 năm lực lượng Kiểm ngư Việt Nam bắt đầu hoạt động, tích cực hỗ trợ ngư dân trên biển, tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, với bao công việc quan trọng, ý nghĩa…

Qua những thành tựu đạt được, ngành thủy sản, cùng với lực lượng Kiểm ngư, tự tin hướng tới những mục tiêu lớn hơn, dài hạn hơn, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia “mạnh về biển, giàu từ biển”, nhất quán với quan điểm lãnh đạo của Đảng, và cũng là nguyện vọng của bà con ngư dân, của của toàn thể người dân.

Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành thủy sản và 10 năm ngày ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam diễn ra sáng 29/3 tại Hà Nội

Bộ trưởng nói: Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm:

Xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững. Hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển có trách nhiệm theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản theo định hướng thị trường, thân thiện môi trường, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an sinh xã hội.

Phát triển thủy sản gắn với nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, xây dựng nông thôn mới. Kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.

Thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển thủy sản, với cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng đồng bộ. Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.

Bộ trưởng chia sẻ: Phía trước chúng ta là “hải trình” hướng đến mục tiêu: Vì một nền thủy sản “minh bạch, trách nhiệm, bền vững và hội nhập”, vì thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Phía trước chúng ta là 3 trụ cột trong chiến lược kinh tế thủy sản: Giảm khai thác – Tăng nuôi trồng – Bảo tồn biển.

Phía trước chúng ta là “Chiến lược Tam ngư”, cấu trúc lại ngành thủy sản dựa trên: Ngư nghiệp – Ngư dân – Ngư trường.  Phía trước chúng ta là phát huy sức mạnh của thiết chế “Cộng đồng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản”, một thiết chế phát huy sức mạnh của cộng đồng. Phía trước chúng ta là cùng nhau hành động để tháo gỡ thẻ vàng chống khai thác IUU trong thời gian sớm nhất.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tặng quà lưu niệm cho Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư.

Theo đó, Bộ trưởng chúc ngành thủy sản Việt Nam bền vững trong phát triển, hiện đại trong sản xuất, tăng tốc trong xuất khẩu, nâng tầm trong hội nhập. Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam luôn đồng hành với ngư dân; hướng tới chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; bảo vệ nguồn lợi thủy sản vì ngành thủy sản xanh, bền vững.

Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng tặng toàn thể đại biểu tham dự một câu danh ngôn để mỗi người chúng ta cùng chiêm nghiệm: “Chúng ta cảm thấy điều chúng ta đang làm chỉ là một giọt nước trong đại dương; nhưng đại dương sẽ ít hơn chỉ bởi thiếu đi giọt nước ấy”.

“Chúng ta giống như những hòn đảo giữa biển khơi, tách biệt trên bề mặt nhưng kết nối dưới tầng sâu. Chúng ta cùng nhau kết nối thành hệ sinh thái vì ngành thủy sản Việt Nam bền vững”, Bộ trưởng gửi gắm thông điệp.

Tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành thủy, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng gửi lời tri ân chân thành đến các thế hệ lãnh đạo Bộ NN-PTNT, ngành thủy sản, kiểm ngư, đã cùng kiến tạo, dựng xây, để ngành kinh tế – kỹ thuật quan trọng phát triển bền vững và vươn tầm thế giới. Cảm ơn bạn bè, đối tác, tổ chức quốc tế đã luôn đồng hành, hỗ trợ ngành thủy sản Việt Nam trong tư vấn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, kết nối nguồn lực, thích ứng với các xu thế mới, xanh và bền vững.

Sưu tầm, nguồn: https://nongnghiep.vn

TIN KHÁC