Chiều ngày 11/12/2023, tại Trường Đại học Cần Thơ đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Sở Nông nghiệp Và Phát triển nông thôn Tỉnh Đắk Lắk và Trường Thủy sản – Đại học Cần Thơ về nội dung trao đổi, hợp tác, hỗ trợ trong lĩnh vực thủy sản của tỉnh Đắk Lắk

Quang cảnh buổi Lễ ký kết thỏa thuận

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Lắk do Ông Nguyễn Hoài Dương, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở làm trưởng đoàn. Ngoài ra, còn có các phòng, ban chuyên môn; các đơn vị trực thuộc Sở như: phòng Kế hoạch, tài chính, Văn phòng Sở, Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng NLS & TS, Văn phòng điều phối Nông thôn mới… cùng tham gia đoàn công tác.
Về phía Trường Thủy sản – Đại học Cần Thơ có Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Ngọc Út – Hiệu trưởng Trường Thủy sản cùng toàn thể các phòng, ban, giảng viên và nhân viên nhà trường tham dự buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, hai bên đã nhất trí thỏa thuận hợp tác dựa trên nguyên tắc hợp tác cùng có lợi, cùng đóng góp để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và thống nhất ký kết thỏa thuận hợp tác để thúc đẩy các hoạt động trong lĩnh vực thủy sản giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk với các nội dung chính như sau:
1. Thực hiện tư vấn thu hút các dự án, chuyển giao công nghệ, chương trình phát triển các loài thủy sản nuôi truyền thống, cá tầm, các loài thủy sản quý hiếm, bản địa… và kết nối đầu tư; phối hợp xây dựng các giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển nuôi thủy sản hồ chứa, phát triển thủy sản theo hướng liên kết chuỗi sản phẩm thủy đặc sản của tỉnh nhằm nâng cao giá trị sản phẩm góp phần thúc đẩy ngành thủy sản Đắk Lắk phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế, dư địa, phát triển theo hướng bền vững.
2. Hợp tác về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lĩnh vực thủy sản:
a) Hợp tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong chọn giống, cải thiện chất lượng sản phẩm thủy sản theo quy trình công nghệ cao. Chuyển giao công nghệ sản xuất giống: Cá lăng, leo, bống tượng, các loài cá đặc hữu, bản địa có giá trị kinh tế của địa phương…
b) Hợp tác nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ nuôi trồng thủy sản phù hợp với địa phương, phát triển các loài nuôi tiềm năng.
c) Điều tra đánh giá hiện trạng tiềm năng, sức tải của các hồ chứa, trữ lượng thủy sản ở các thủy vực hồ, sông để làm cơ sở đề xuất các giải pháp phát triển thủy sản phù hợp, đảm bảo môi trường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
d) Xây dựng thí điểm vùng nuôi trồng thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao tại các vùng nuôi trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk.
e) Hỗ trợ xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ mới, mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn, hữu cơ, an toàn sinh học, an toàn thực phẩm; sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC… gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu các đối tượng chủ lực; mô hình thủy canh kết hợp với nuôi trồng thủy sản, phát triển các trang trại tuần hoàn, mô hình nuôi đa loài để có chọn lọc phù hợp với địa phương, có hiệu quả, mô hình nuôi lồng bè trên hồ chứa để từ đó đề xuất các giải pháp phát triển thành các thủy đặc sản của tỉnh.
f) Sản xuất thủy sản theo hướng tạo ra sản phẩm có kích cỡ lớn cạnh tranh trên thị trường và hướng đến xuất khẩu; xây dựng các mô hình phát triển thủy sản theo chuỗi liên kết giá trị sản xuất với các đối tượng nuôi như: Cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng, cá lăng đuôi đỏ, cá bống tượng, lươn, cá chạch, tôm càng xanh và các loài cá đặc hữu, bản địa có giá trị kinh tế …
g) Nghiên cứu thuần hóa và phát triển một số đối tượng cá bản địa, đặc biệt các loài cá có tên trong sách đỏ và các loài thủy sản quý hiếm như: Cá trà sóc, cá mõm trâu … để kịp thời bảo vệ, tái tạo và tránh nguy cơ bị tuyệt chủng, thích ứng với biến đổi khí hậu.
h) Phối hợp hỗ trợ thực hiện nghiên cứu khoa học lĩnh vực môi trường nuôi thủy sản nhằm giảm thiểu những tác động gây ảnh hưởng đến môi trường nước, đề xuất các giải pháp xử lý môi trường, ô nhiễm trong nuôi trồng và sản xuất thủy sản.
i) Hợp tác nghiên cứu tạo ra các giống thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; chuyển giao các thành tựu khoa học về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tỉnh Đắk Lắk.
3. Hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực
a) Hợp tác, liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thủy sản cho cán bộ, công chức các cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.
b) Hợp tác đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn theo nhu cầu đặt hàng của Sở tại địa phương hoặc tại Trường Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ.
4. Hơp tác quốc tế: Phối hợp triển khai thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo phương thức tiếp cận mới. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức phi chính phủ quốc tế hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án như: Thuần hóa, tái tạo, bảo vệ và phát triển các loài thủy sản bản địa, quý, hiếm (cá trà sóc, cá mõn trâu …); bảo vệ các bãi đẻ, khu tập trung thủy sản còn non …; giảm thiểu phát thải nhà kính do phát triển thủy sản gây ra. 

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT và GS.TS. Vũ Ngọc Út, Hiệu trưởng Trường Thủy sản ký kết biên bản thỏa thuận

Thỏa thuận hợp tác để thúc đẩy các hoạt động trong lĩnh vực thủy sản giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hướng tới mục tiêu:
– Xây dựng và phát triển mối quan hệ, liên kết hợp tác về nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực thủy sản nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và dư địa phục vụ phát triển ngành thủy sản của tỉnh Đắk Lắk; trong đó, trọng tâm là phát triển toàn diện ngành thủy sản công nghệ cao, tạo ra công nghệ mới, nhất  là công nghệ sản xuất giống; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và phát triển các sản phẩm OCOP.
– Những nội dung hợp tác là cơ sở định hướng để các đơn vị, Chi cục, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các Khoa, Trung tâm trực thuộc Trường Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ ký kết những nội dung cụ thể nhằm đảm bảo tính hiệu quả của chương trình hợp tác.
– Mở rộng mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực có tính thiết thực, khả thi, phù hợp với nhiệm vụ của từng giai đoạn.

Tham quan mô hình nuôi Thủy sản tại Trường

Kết thúc buổi Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác để thúc đẩy các hoạt động trong lĩnh vực thủy sản giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đoàn công tác đã tiến hành tham quan một số mô hình nuôi trồng thủy sản tại Trường Thủy sản – Đại học Cần Thơ.

Trọng Thể, sưu tầm (nguồn: https://nnptnt.daklak.gov.vn)

TIN KHÁC