Khi tôi khẽ nhấc con cá tầm lên khỏi mặt nước, làn da như vàng 9999 óng ánh của nó bắt sáng còn lấp lánh hơn cả ánh mặt trời…

Một vàng quanh năm, một vàng biến đổi

Màu sắc ấy càng làm nền nổi bật lên cặp mắt ánh thép, chòm râu bạc trắng, nó như một vị vua khoác áo hoàng bào dát vàng ngồi trên long sàng, uy nghi lẫm liệt. Thấy tôi như bị thôi miên bởi màu vàng quý phái đó, ông Nguyễn Ngọc Lan – quản đốc của Tập đoàn Cá tầm Việt Nam ở cơ sở nuôi trên sông Đà, đoạn thuộc xã Mường Trai (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) cười và bảo rằng: “Hiện trang trại đang có 283 lồng với khoảng 200.000 con cá tầm nhưng chỉ có 1 lồng nuôi giữ 2 con cá có màu vàng đặc biệt này. Một giữ màu vàng chóe suốt quanh năm ngày tháng, một biến đổi theo thời tiết, theo thời gian hay sao tôi không hiểu nhưng cứ sau mấy tháng màu vàng lại một hai tháng có màu nâu hay màu vàng loang lổ. Giờ thì nó có đầu hơi vàng nhưng thân lại đen.

Con cá tầm có màu sắc biến đổi ấy sinh cỡ năm 2016, trọng lượng lớn hơn, khoảng 6 – 7kg, còn con cá tầm có màu vàng quanh năm ngày tháng ấy sinh sau, cỡ năm 2017. Cá tầm vàng rất hiếm, chắc phải có chất gì khác cá thường chứ? Giá trị dinh dưỡng của nó ra sao thì phải đưa vào viện nghiên cứu mới biết rõ được…”.

Con cá tầm có màu vàng sặc sỡ quanh năm

Cũng theo ông Lan, chủ Tập đoàn Cá tầm Việt Nam rất thích những con bị đột biến, màu sắc khác thường nên hễ xuất hiện con nào bạch tạng đã phải báo cáo rồi, chứ chưa nói đến màu vàng. Riêng 2 con màu vàng này, được người chủ đặc biệt quý, bảo để lại làm cảnh, không được động chạm vào. Chúng có bị bệnh hay bị làm sao cũng phải cố mà điều trị, giữ cho đến cùng, trừ chết thì thôi không kể chứ tiền triệu, chục triệu mỗi kg cũng không được bán.

“Ông chủ tập đoàn ở Nha Trang, làm chủ yếu về lĩnh vực bất động sản, resort, còn nuôi cá tầm chỉ là một nhánh nhỏ trong kinh doanh. Năm ngoái, năm kia khi dịch Covid-19 còn chưa căng thẳng, cứ mỗi năm ông chủ ra đây một lần, hỏi các thứ rồi cuối cùng hỏi về 2 con cá tầm vàng có còn hay không, tôi bảo vẫn còn và cùng nhau ra xem… Chúng tôi nuôi cả trăm ngàn con cá tầm loại bình thường, kể cả một con chết vẫn phải chụp ảnh gửi cho tập đoàn để người ta quản lý bởi họ bỏ ra hàng trăm tỉ đầu tư mà không làm tỉ mỉ như thế thì rất khó…

Có nhiều người thấy con cá tầm vàng đẹp quá, hỏi bao nhiêu tiền để mua về làm cảnh nhưng của ông chủ thì làm sao chúng tôi mà dám động đến? Chỉ cần bắt lên nếu ông không đồng ý có khi cũng bị đuổi cổ luôn rồi chứ đừng nói chuyện chơi”.

2 con cá tầm vàng được nuôi cùng với những con cá tầm bình thường, nặng 70 – 80kg

Hú hồn lần hồi sức, cấp cứu cho cá tầm vàng

Còn kỹ sư Hà Văn Phú phụ trách kỹ thuật của trang trại thì bổ sung với tôi rằng, có 3 loại cá tầm khác biệt: Bạch tạng, có màu trắng tuyền, số lượng khá nhiều, trong 200.000 con đang nuôi ở đây có 50 con. Màu vàng hiếm hơn, trong mấy triệu con của cả tập đoàn nuôi từ trước đến nay chỉ thấy có 2 con, con thứ nhất là luôn có màu vàng, con thứ hai là biến đổi theo các tháng trong năm.

Dù là bạch tạng hay là màu vàng, tốc độ lớn của chúng chỉ bằng phân nửa số cá thường. Hơn thế, bạch tạng có tỷ lệ chết cao hơn, nuôi từ nhỏ đến lớn chỉ đạt cỡ hơn 50% trong khi cá tầm bình thường đạt 90% nên trong 50 con bạch tạng hiện chỉ còn khoảng dưới 30 con. Tầm vàng chỉ có 2 con nhưng lại không dễ chết như bạch tạng nên vẫn còn đủ cả.

Cá tầm thuần chủng đang nuôi tại đây có Rusian, Beluga, Stiebel, còn lại là con lai như Robel, SBB, có trọng lượng nhỏ nhưng lại nhanh lớn… Cá tầm bạch tạng chủ yếu là dòng SBB tức con lai của Robel với Stiebel, còn Robel, Beluga cũng thỉnh thoảng thấy có hiện tượng này nhưng tỷ lệ ít hơn.

Cận cảnh con cá tầm có màu vàng quanh năm

Cá tầm vàng là đột biến của dòng thuần chủng giống Stiebel, trọng lượng tối đa của loại này chỉ cỡ 6 – 7kg nên 2 con tầm vàng ở đây cũng đã là khá to: “Cá tầm bạch tạng sếp em bảo rằng quá quý, để biết được chất lượng của nó thì những người thật sự sành ăn sẽ cảm nhận được ngay vì họ ăn một cách thưởng thức, chỉ cần một chút gì đó thay đổi về mùi, về vị là biết. Chính vì những đặc điểm đó nó quyết định giá của loại siêu thực phẩm này. Còn 2 con cá tầm vàng kia không ai dám ăn cả nên không biết chất lượng thịt thế nào.

Hiện, trang trại đang nuôi một số loài lai tạo giữa các giống thuần nhưng chất lượng thịt của chúng không khác gì mấy so với cá tự nhiên vì cá tầm là loại cá cổ đại tồn tại hàng triệu năm từ trước đến nay mà không hề tiến hóa hay biến đổi giống loài. Ở nước ngoài nhiều thợ câu bắt được cá vài chục kg đến vài trăm kg/con, bán được hàng ngàn, hàng vạn USD cũng có…”.  

Phú không thể quên được một kỷ niệm hú hồn với 2 con cá tầm vàng là có lần sếp yêu cầu kéo chúng lên cho khách tỉnh, khách huyện xem. Ánh nắng gay gắt chiếu trực tiếp vào 2 con cá làm cho chúng bị nóng, yếu đi trông thấy và nhanh chóng phải bơi ngửa. Lúc đó mấy anh em kỹ thuật tái xanh mặt, vội vàng cùng nhau, người thì giữ thăng bằng cho cá bơi úp, người thì che nắng cho cá, người thì đẩy nước tạo dòng chảy cho cá ngáp được nhiều oxi… Mất cả tiếng đồng hồ họ mới cứu nguy được cho chúng.

Dưới nước, màu vàng của cá tầm vẫn rất nổi bật

Thịt cá tầm ăn rất thơm ngon, đậm đà mà giòn sần sật, có giá bán khoảng 200.000 – 1 triệu đồng/kg tùy nguồn gốc, kích cỡ tuy nhiên vẫn còn kém xa giá trị của buồng trứng mà chúng mang lại: “Bình thường cá tầm Stiebel có trọng lượng từ 2,5kg trở lên đã có trứng rồi nhưng vì lãnh đạo tập đoàn bảo để nuôi, không bán nên chúng em không siêu âm cho 2 con cá tầm vàng bao giờ.

Cá tầm không có bộ phận sinh dục thò ra ngoài nên muốn biết đực hay cái bắt buộc phải siêu âm hay đến kỳ sinh sản thì vuốt vào bụng của chúng, con cái sẽ ra trứng, con đực sẽ ra tinh. Đến mùa trứng chín để khoảng 1 tháng mà không khai thác là bị thoái hóa, sau đó sẽ tự hủy. Những loại cá tầm thuần chủng có thể đẻ tự nhiên được ở Nga, Trung Quốc… nhưng ở đây chưa đủ điều kiện về nhiệt độ nước (lạnh) nên không thể tự đẻ được và người ta cũng chưa cho đẻ tự nhiên bao giờ vì hầu như khi con cái có trứng là siêu âm mổ khai thác trứng rồi”.

Một góc của trang trại cá tầm

Giá trứng cá tầm trên thị trường Việt Nam vào khoảng vài chục triệu đồng/kg, còn trên thị trường thế giới dao động từ 1.000 – 10.000 USD/kg (tương đương từ hơn 20 triệu đến hơn 200 triệu/kg) tùy vào chất lượng, độ lớn nhỏ, sáng bóng của từng loại. Nếu là trứng của những con cá tầm bạch tạng thì giá có thể vọt lên gấp 5 – 7 lần bởi chúng được được xếp vào dạng đặc sản hiếm có, khó tìm, có nhiều tiền thôi chưa đủ mà còn phải hội tụ cả yếu tố may mắn nữa mới được thử.

“Nói chung chúng em quý đôi cá tầm vàng này lắm và chăm chúng còn hơn cả chăm con. Bởi thế, nếu một lúc nào đó sếp cho phép bán đôi cá tầm vàng đó thì chúng em vẫn phải bán nhưng thật sự rất là tiếc. Có thể nó là con đầu đàn và là vị vua của loài cá tầm tại đây”, Phú tâm sự.

Nguồn: nongnghiep.vn

TIN KHÁC