Ngày 16/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 985/QĐ-TTg ban hành Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 – 2030.

Ảnh minh họa

Mục tiêu chung của Chương trình là phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nuôi trồng thủy sản; đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu,..

Mục tiêu cụ thể:

– Giai đoạn 2021 – 2025

+ Đến năm 2025, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 5,6 triệu tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 7,8 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trung bình 4,0%/năm.

+ Chủ động sản xuất, cung ứng được trên 50% nhu cầu tôm sú bố mẹ và trên 25% nhu cầu tôm thẻ chân trắng bố mẹ, trên 70% nhu cầu cá tra bố mẹ chọn giống; chủ động sản xuất, cung ứng đủ con giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn.

+ Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất cho trên 30 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và vùng sản xuất giống tập trung.

+ Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 30% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản.

– Giai đoạn 2026 – 2030

+ Đến năm 2030, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 7,0 triệu tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trung bình trên 4,5%/năm.

+ Chủ động sản xuất, cung ứng được trên 60% nhu cầu tôm sú, tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 100% cá tra bố mẹ chọn giống; cải thiện chất lượng con giống các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn.

+ Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất cho trên 50 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và vùng sản xuất giống tập trung.

+ Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 50% sản lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản.

Chương trình gồm 6 nội dung chính

Thứ nhất, về phát triển sản xuất giống thủy sản: nâng cao năng lực sản xuất giống thủy sản như thu hút các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, sản xuất và phát triển giống thủy sản, đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất; khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân xây dựng, áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học, các tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản,..Cùng đó, phát triển sản xuất giống thủy sản theo nhóm loài (tôm nước lợ, cá tra).

Thứ hai, phát triển nuôi theo nhóm, loài (như tôm nước lợ, cá tra, cá rô phi, cá biển, tôm hùm, nhuyễn thể, cá nước lạnh, các loài giáp xác, các loài cá thống, bản địa, thủy đặc sản); Kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thủy sản; Kiểm soát an toàn dịch bệnh và quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản,……..

 Thứ ba, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản: tiếp tục đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng đầu mối thiết yếu tại một số vùng sản xuất giống tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; các vùng nuôi đối tượng thủy sản chủ lực, nuôi thủy sản có khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn…. Ngoài ra, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng phục vụ đào tạo, tập huấn, nghiên cứu, lưu giữ con giống, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất, ương dưỡng giống và nuôi trồng thủy sản.

Thứ tư, phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng vật tư và công nghiệp hỗ trợ nuôi trồng thủy sản. Phát triển sản xuất thức ăn thủy sản phù hợp với đối tượng, hình thức, điều kiện nuôi; tăng tỷ lệ sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa để giảm giá thành sản phẩm, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và bảo vệ môi trường. Phát triển sản xuất sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản có nguồn gốc từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tổ chức sản xuất: Phát triển nguồn nhân lực quản lý, nghiên cứu, hướng dẫn kỹ thuật; hoàn thiện hệ thống đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành thủy sản; tổ chức đào tạo, tập huấn cho các lực lượng lao động tham gia chuỗi sản xuất, thương mại thủy sản. Bên cạnh đó, phát triển các mô hình hợp tác và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hình thức hợp tác gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng, phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp với hoạt động kinh tế khác để tạo ra giá trị gia tăng.

Thứ sáu, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản: Sản xuất nhân tạo, chọn tạo các giống thủy sản mới, có tiềm năng phát triển; giống trái vụ, giống có khả năng thích nghi cao với điều kiện môi trường, tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, sạch bệnh; phát triển công nghệ nuôi phù hợp, thân thiện môi trường, tiết kiệm nước, nhiên liệu, nguyên liệu, giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên; hạn chế dùng thuốc, hóa chất có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường, an toàn thực phẩm,.. Áp dụng các giải pháp công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản; đẩy mạnh chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ tự động hóa….

Về trách nhiệm tổ chức thực hiện, Thủ tướng chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các nội dung sau:

– Căn cứ điều kiện thực tế, kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 của địa phương và nội dung Chương trình này, chỉ đạo tổ chức xây dựng, phê duyệt, thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình.

– Bố trí kinh phí hàng năm từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo đúng quy định để thực hiện các nội dung của Chương trình tại địa phương. Ưu tiên bố trí nguồn kinh phí do địa phương quản lý để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại địa phương.

– Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình Trung ương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

– Bố trí sử dụng đất theo quy hoạch, cân đối, bố trí kinh phí tham gia đầu tư các dự án được Trung ương đầu tư, quản lý, duy tu các hạng mục công trình sau đầu tư.

– Tổ chức tiếp nhận đối với các dự án được Trung ương đầu tư; quản lý, khai thác cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản sau đầu tư theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công.

– Tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hàng năm, 05 năm, tổng kết Chương trình và báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 20 tháng 12 hàng năm.

Chi tiết Quyết định số 985/QĐ-TTg xem tại đây!

Khánh Toàn

TIN KHÁC