Các ước tính mới nhất về sản lượng thủy sản toàn cầu trong năm 2019 cho thấy sản lượng khai thác thủy sản giảm đã khiến tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản trong năm 2019 giảm 1,2%. Việc đóng cửa sớm mùa cá cơm thứ hai, sản lượng khai thác bạch tuộc giảm và nguồn cung của một số loài cá đáy bị thắt chặt là những nhân tố góp phần làm giảm sản lượng khai thác tự nhiên.

Trái lại, ngành nuôi trồng thủy sản đã ghi nhận một năm tăng trưởng với tổng sản lượng thu hoạch ước tính tăng 3,3%. Các loài cá thương phẩm chính như cá hồi, cá tra và cá rô phi, đều có sản lượng tăng mạnh trong năm 2019. Sản lượng tôm tăng đáng kể, được thúc đẩy bởi sự mở rộng ở Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Tuy nhiên, do sự sụt giảm tổng thể về nguồn cung thủy sản, tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người đã giảm nhẹ vào năm 2019, xuống còn khoảng 20,4 kg/người/năm.

Thương mại thủy sản giảm cả về khối lượng và giá trị trong năm 2019, chủ yếu do căng thẳng chính trị đã kéo tăng trưởng kinh tế đi xuống. Đặc biệt, xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, hai trong số các thương nhân thủy sản lớn nhất thế giới, đã tác động đến doanh thu kinh doanh thông qua thuế quan và sự bất ổn kinh tế ngày một rộng lớn hơn. Tình hình thị trường bất ổn như vậy đã dẫn đến những biến động về giá, đặc biệt ở nhiều chủng loại hàng hóa thủy sản. Giá đạt mức thấp hoặc cao kỷ lục đối với một số đối tượng thủy sản chính, bao gồm cá ngừ, cá tra và cá hồi. Nhìn chung, Chỉ số giá thủy sản của FAO (the FAO Fish Price Index) đã giảm khoảng 6 điểm trong cả năm.

Ảnh minh họa

Vào cuối năm 2019, triển vọng cho năm 2020 có phần khả quan hơn khi tình hình chính trị toàn cầu có vẻ đang được cải thiện. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 chưa từng có trong lịch sử đã làm ảnh hưởng hoàn toàn nền kinh tế toàn cầu. Để nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus, các chính phủ trên toàn thế giới đã đưa ra một loạt các biện pháp, bao gồm các chỉ thị giãn cách xã hội, giới hạn giờ mở cửa kinh doanh và hạn chế đi lại. Ngành thủy sản, cùng với phần lớn các ngành công nghiệp khác, đang phải đối phó với nguy cơ cao của nhu cầu ảm đạm cũng như một loạt các thách thức về nguồn cung.

Với lệnh cấm hoàn toàn của ngành dịch vụ nhà hàng, nhu cầu dịch vụ ăn uống không còn, trong khi doanh số bán lẻ được đánh dấu bởi sự biến động mạnh giữa hai thái cực, nối tiếp giữa các giai đoạn mua hàng hoảng loạn là sự tạm lắng kéo dài. Nhu cầu đối với các sản phẩm đóng hộp và đông lạnh đã tăng đột biến khi các hộ gia đình tìm cách tích trữ thực phẩm không dễ hỏng trong số các lựa chọn thực phẩm thủy sản. Đồng thời, các nhà phân phối trực tuyến cho biết người tiêu dùng ở nhà đã quan tâm hơn đến các lựa chọn thay thế cho hoạt động mua lẻ. Nhìn chung, nhu cầu giảm mạnh và giá cũng giảm đối với nhiều loài thủy sản, đặc biệt là những loài quan trọng đối với ngành nhà hàng. Các hậu quả khác của sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 bao gồm việc hủy bỏ các sự kiện thương mại thủy sản quan trọng, cũng như những sự kiện quan trọng tạo cơ hội cho hoạt động kết nối ngành hàng và tìm kiếm nguồn cung ứng thủy sản.

Về nguồn cung, tình trạng thiếu lao động và những thách thức kinh tế khác bao gồm triển vọng về cầu ảm đạm đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất thủy sản trên toàn thế giới. Các vụ thu hoạch nuôi trồng thủy sản đã bị trì hoãn và chỉ tiêu thả nuôi giảm mạnh, trong khi toàn bộ đội tàu đánh bắt cũng phải nghỉ việc. Các hoạt động khác ở cuối chuỗi thủy sản bao gồm các nhà chế biến đều bị ảnh hưởng do thiếu nguyên liệu thô cùng với các khó khăn khác. Bên cạnh đó, dịch vụ hậu cần trở nên tốn kém và chậm chạp do các hãng vận tải phải đối mặt với đường biên giới bị đóng cửa hoặc hạn chế đi lại, và sự chậm trễ trong việc kiểm tra sức khỏe; đồng thời, việc hủy bỏ các chuyến bay với quy mô lớn cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc buôn bán một số sản phẩm tươi sống cao cấp được vận chuyển bằng đường hàng không.

Đại diện ngành thủy sản ở nhiều quốc gia đang kêu gọi chính phủ hỗ trợ tài chính, nhưng các biện pháp như vậy có thể chỉ giúp cứu trợ phần nào khi thế giới đang phải đối mặt với biến động trên diện rộng. Các bên liên quan trong ngành thủy sản cũng đang kêu gọi sự linh hoạt của cơ quan quản lý trong việc điều chỉnh hạn ngạch khai thác và nâng cao giới hạn sinh khối, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh chóng hiểu và lập kế hoạch cho những thay đổi lâu dài trong bối cảnh thị trường.

Trước mắt là một triển vọng không chắc chắn cho ngành thủy sản toàn cầu, đặc biệt là vấn đề thời gian và mức độ nghiêm trọng của đại dịch ở các thị trường khác nhau. Mặc dù Trung Quốc đã có thể trở lại điều kiện gần như bình thường sau một vài tháng bị cấm vận nghiêm ngặt, nhưng điều này có thể khó khăn hơn ở Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ, hai trong số các thị trường thủy sản quan trọng nhất thế giới. Dù trong khung thời gian nào, tác động trên diện rộng của đại dịch có nghĩa là thị trường có thể suy thoái kéo dài ngay cả sau khi các lệnh cấm hiện tại được dỡ bỏ hoặc nới lỏng. Năm 2020, các sản phẩm xa xỉ và các loài thủy sản chủ yếu được bán trên thị trường tươi sống và thông qua dịch vụ thực phẩm được dự đoán là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nguồn: tongcucthuysan

TIN KHÁC