Nhằm đánh giá hiện trạng, tiềm năng và giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa, chiều 25/10/2024 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp khai thác tiềm năng hồ chứa để phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Toàn cảnh Hội nghị

Đồng chí Mai Trọng Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý Công trình thủy lợi Đắk Lắk và phòng chuyên môn trực thuộc; ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Thủy điện Buôn Kuốp và các phòng trực thuộc; đồng chí Nguyễn Văn Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, lãnh đạo Chi cục và các phòng trực thuộc; đại diện Chi cục Thủy lợi.

Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 622 hồ chứa thủy lợi và 23 hồ chứa thủy điện và 5 hệ thống sông có diện tích mặt nước có khả năng đưa vào nuôi trồng thủy sản trên 42.000 ha (diện tích hồ chứa hồ chứa thủy lợi khoảng 12.555 ha; diện tích hồ chứa thủy điện khoảng 7.445 ha). Theo số liệu năm 2023, diện tích hồ chứa thủy lợi và thủy điện đã được nuôi thủy sản khoảng 9.839 ha, sản lượng nuôi hàng năm đạt khoảng 8.728 tấn.

Theo báo cáo sơ bộ của Công ty TNHH MVT Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk đến tháng 5/2024, đơn vị đang được UBND tỉnh giao quản lý khai thác 267 hồ chứa thủy lợi, trong đó: các hồ chứa thủy lợi đã được UBND tỉnh cấp Giấy phép hoạt động (nuôi trồng thủy sản) trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước cho các tổ chức, cá nhân là 56 hồ (18 giấy phép còn hạn sử dụng, 38 giấy phép đã hết hạn sử dụng). Giấy phép hoạt động nuôi trồng thủy sản trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước được UBND tỉnh cấp phép chủ yếu với hình thức nuôi quảng canh (riêng hồ thủy lợi Buôn Joong được cấp phép nuôi trồng thủy sản quảng canh và nuôi lồng bè với diện tích khoảng 205 ha, hồ Thủy lợi An Ninh được cấp phép nuôi trồng thủy sản quảng canh, thâm canh, bán thâm canh và nuôi cá lồng bè với điện tích khoảng 14 ha), các hồ chứa đang làm thủ tục cấp phép lần đầu để nuôi trồng thủy sản trong phạm vi bảo vệ hồ chứa là 25 hồ chứa (tổng diện tích hồ chứa đã và đang làm thủ tục cấp phép 4.000 ha. Trong đó, hồ chứa đã được cấp phép hơn 2.000 ha, hồ chứa đang làm thủ tục cấp phép mới, gia hạn khoảng 2.000 ha).

Nuôi cá lồng bè trên hồ chứa đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân sống ven hồ; đã đưa được nhiều giống loài đặc hữu, bản địa, loài có giá trị kinh tế vào nuôi, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi để cung cấp cho thị trường tiêu thụ; công nghệ nuôi đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, bảo vệ môi trường. Nhiều cơ sở nuôi sử dụng các loại vật liệu mới, thân thiện môi trường, độ bền cao. Nuôi cá hồ chứa mặc dù có những thành tựu, thế nhưng việc nuôi trồng thủy sản tại các hồ chứa hiện còn nhiều hạn chế. Điển hình nhất là việc nuôi còn mang tính tự phát, chưa tạo được vùng nuôi an toàn. Cùng đó, việc cấp phép nuôi trồng thủy sản trong hồ chứa thủy điện gặp rất nhiều khó khăn do Bộ Công Thương chưa triển khai hướng dẫn cụ thể về cấp phép hoạt động nuôi trồng thủy sản trong hồ chứa thủy điện…

Ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý Công trình thủy lợi Đắk Lắk phát biểu tại Hội nghị

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho biết, tiềm năng là rất lớn, song, các hồ chứa chủ yếu phục vụ mục đích thủy lợi, thủy điện, cấp nước sinh hoạt… chưa chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản. Công tác quy hoạch nuôi trồng thủy sản và hài hòa lợi ích giữa thủy lợi, thủy điện, thủy sản tại các địa phương trong tỉnh chưa tốt nên chưa tận dụng hết tiềm năng mặt nước và nguồn lợi sẵn có. Đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa chưa được quan tâm đúng mức; chưa có sự hỗ trợ và quan tâm thỏa đáng. Việc nuôi các loài cá có giá trị kinh tế, những loài đặc sản, nuôi thâm canh còn hạn chế…

Đồng chí Mai Trọng Dũng phát biểu kết luận tại Hội nghị

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Mai Trọng Dũng, đề nghị Chi cục Thủy sản phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý Công trình thủy lợi Đắk Lắk trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về nội dung cấp phép do Sở đề xuất để hoàn thành bộ thủ tục gửi các địa phương trong tỉnh để thống nhất bộ thủ tục, thuận lợi trong việc cấp phép. Sau cuộc họp này tham mưu buổi làm việc với Sở Công Thương để thảo luận, giải đáp việc cấp phép nuôi trồng thủy sản trong hồ chứa thủy điện; nếu thủ tục cấp phép vướng mắc thì hai Sở sẽ tham mưu văn bản cho UBND tỉnh gửi Bộ Công Thương để kiến nghị hướng dẫn, tháo gỡ việc cấp phép nuôi trồng thủy sản trong hồ chứa thủy điện. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Thủy lợi tiến hành rà soát lại các hồ chứa thủy lợi lớn có nuôi thủy sản lồng bè để phối hợp với UBND cấp huyện chấn chỉnh công tác nuôi thủy sản lồng bè; nếu có dấu hiệu nuôi trồng trái phép phải phối hợp với địa phương và các cơ quan chức năng để xử lý. Hiện nay, Luật Giá đã triển khai đi vào cuộc sống nên đề nghị Công ty TNHH MTV Quản lý Công trình thủy lợi Đắk Lắk xây dựng biểu giá thuê mặt nước cho phù hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc thuê mặt nước; đặc biệt là thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản.

Sưu tầm, nguồn: https://nnptnt.daklak.gov.vn.

TIN KHÁC