Tăng cường quản lý nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa và nuôi thủy sản nước ngọt
- 19/05/2021
- 0
Vừa qua, Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản số 563/TCTS-NTTS ngày 15/4/2021 gửi các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố Trung ương về việc tăng cường quản lý nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa và nuôi thủy sản nước ngọt.
Trong những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng bè đã góp phần tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế cho người dân vùng ven sông, hồ đập. Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết năm 2021 có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động nuôi trồng thủy sản đặc biệt là nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa và nuôi thủy sản nước ngọt.
Kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi cá lồng, bè trên sông, hồ chứa tại một số tỉnh trọng điểm các năm trước và 3 tháng đầu năm 2021 cho thấy chất lượng môi trường vùng nuôi trồng bắt đầu có xu hướng xấu đi, dự báo trong giai đoạn chuyển mùa từ tháng 4 năm 2021 nắng nóng, mưa đầu mùa sẽ đến sớm, các yếu tố môi trường sẽ biến động mạnh kết hợp với mưa, lũ gây bất lợi cho thủy sản lồng, bè trên sông, hồ chứa và nuôi thủy sản nước ngọt.
Ảnh minh họa
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, thúc đẩy phát triển nuôi thủy sản lồng, bè trên sông, hồ chứa và thủy sản nước ngọt, Tổng cục Thủy sản đề nghị các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố Trung ương chỉ đạo các đơn vị có chức năng liên quan bám sát tình hình thực tế, tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai ngay một số nội dung sau:
Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nuôi thực hiện xác nhận đăng ký nuôi lồng, bè theo Điều 36, Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019; Thực hiện các quy định về nuôi cá lồng, bè và nước ngọt theo Quy chuẩn Việt Nam 01-80:2011/BNNPTNT “Cơ sở nuôi trồng thủy sản thương phẩm – Điều kiện vệ sinh thú y; Quy chuẩn Việt Nam 02-22:2015/BNNPTNT về “Cơ sở nuôi cá lồng/bè nước ngọt – Điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường”; Tổ chức rà soát, bố trí lồng nuôi phù hợp, đúng kế hoạch đã được phê duyệt của địa phương.
Chỉ đạo cơ quan chức năng, chuyên môn của địa phương tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường; thực hiện có hiệu quả các khuyến cáo của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, II, III, Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản và các hướng dẫn kỹ thuật kèm theo. Tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước có thể ảnh hưởng đến vùng nuôi. Theo dõi chặt chẽ biến động thời tiết và môi trường nước, khi phát hiện thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị chết rải rác cần hướng dẫn người nuôi có biện pháp xử lý kịp thời.
Đối với các vùng nuôi thường xuyên chịu tác động của môi trường, thời tiết vào thời điểm giao mùa, khi có mưa, bão cần kịp thời hướng dẫn chủ cơ sở nuôi có giải pháp ứng phó phù hợp, di dời lồng, bè đến vùng ít bị tác động bởi biến động của môi trường và thời tiết.
Hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật để quản lý, chăm sóc thủy sản nuôi như: giống thả nuôi phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch bởi cơ quan thú ý theo quy định; bổ sung Vitamin, khoáng, vi chất vào khẩu phần ăn của thủy sản nuôi để nâng cao sức đề kháng; thường xuyên treo túi vôi ở lồng nuôi để khử trùng, cải thiện môi trường nuôi, chuẩn bị sẵn máy bơm, sục khí, nguyên, nhiên, vật liệu…để sớm phát hiện những biến động không tốt của môi trường đến thủy sản nuôi và có biện pháp xử lý kịp thời.
Tổ chức xây dựng chuỗi liên kết để sản xuất các sản phẩm chất lượng, an toàn và truy xuất nguồn gốc. Hướng dẫn người nuôi thực hiện nuôi theo VietGAP hoặc các chứng nhận thực hành sản xuất thủy sản tốt.
Quản lý tốt chất lượng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Tổ chức thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Nguồn: tongcucthuysan.gov.vn