Một số khuyến cáo người nuôi trồng thủy sản trong thời gian giao mùa tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ
- 29/04/2021
- 0
Vừa qua, Trung tâm Quan trắc môi trường & bệnh Thủy sản Nam bộ thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II đã tiến hành lấy mẫu quan trắc một số địa điểm tại khu vực Tây nguyên và Đông Nam Bộ và đưa ra một số nhận định, khuyến cáo cho người nuôi trồng thủy sản trên lồng bè trong thời gian giao mùa.
Trước hiện tượng cá nuôi bè chết hàng loạt trên khu vực sông La Ngà và sông Sài Gòn, Trung tâm Quan trắc môi trường & bệnh Thủy sản Nam bộ thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II đã tiến hành lấy mẫu quan trắc và đã đưa ra nguyên nhân, kết quả như sau:
Hiện tượng cá nuôi bè chết hàng loạt trên khu vực sông La Ngà và sông Sài Gòn là do những biến động bất lợi về môi trường. Lượng mưa lớn kéo dài, cuốn theo tất cả các vật chất hữu cơ từ thượng nguồn vào thủy vực, làm môi trường thay đổi đột ngột. Sau cơn mưa lớn kéo dài các hợp chất hữu cơ được cuốn trôi vào thủy vực, các vi sinh vật hiếu khí hoạt động mạnh sẽ khiến ôxy hòa tan trong nước bị giảm đáng kể, đặc biệt là vào ban đêm và sáng sớm. Bên cạnh đó, sự phân hủy các chất hữu cơ tích tụ trong thủy vực nuôi cũng làm giảm lượng ôxy hòa tan. Mưa lớn đầu mùa cuốn trôi mùn bã hữu cơ, đất cát trên đất liền làm gia tăng hàm lượng TSS gây tắt nghẽn cấu trúc mang cá, cản trở hô hấp gây ngạt và tử vong. Tất cả các yếu tố trên có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thiếu hụt ôxy trầm trọng vào ban đêm khiến cá nổi đầu và chết hoàng loạt. Ngoài ra sự thiếu hụt ôxy dẫn đến quá trình phân hủy thiếu khí tạo thành các khí độc như NH3, H2S, CH4 sẽ dẫn tới tình trạng cá bị sốc, ngộ độc, giảm sức đề kháng và bệnh sẽ phát triển. Nếu quá trình thiếu khí xảy ra trong thời gian dài, các động vật thủy sản nuôi sẽ bị chết ngạt do thiếu ôxy. Ngoài ra, tại thời điểm giao mùa mực nước sông/hồ đã và đang rút xuống nhiều làm thu hẹp không gian sống của cá nuôi lồng bè. Mật độ bè nuôi neo đậu dày khiến khoảng cách giữa các bè khá sát nhau, điều này dẫn đến khả năng trao đổi nước trong bè bị hạn chế, thêm vào đó là quá trình phân hủy các hợp chất hữu từ các chất tích tụ (bài tiết của động vật, nguồn thức ăn dư thừa…) làm cho hàm lượng ôxy hòa tan trong nước bị suy giảm.
Ảnh minh họa
Căn cứ vào kết quả quan trắc và nhận định tình hình xu thế diễn biến thời tiết, để giảm thiểu tối đa thiệt hại do dịch bệnh, môi trường gây ra đối với người nuôi, Trung tâm Quan trắc môi trường & bệnh Thủy sản Nam bộ thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II đã đưa ra một số khuyến cáo đối với người nuôi trồng thủy sản lồng bè, cụ thể:
Người nuôi cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, kết quả quan trắc chất lượng nước (nếu có) để ứng phó kịp thời. Trước, trong và sau những cơn mưa lớn đầu mùa sục khí cung cấp thêm ôxy cho bè nuôi, treo túi vôi phòng bệnh cho cá.
Các bè đang có cá chết cần vệ sinh khu vực nuôi, thu gom cá chết ra khỏi khu vực nuôi ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và phát sinh mầm bệnh.
Dừng thả nuôi mới nhằm giảm thiểu rủi ro do ảnh hưởng xấu của môi trường và có thời gian để cải thiện môi trường nước vùng nuôi.
Chỉ đạo, hướng dẫn cho người nuôi tại địa phương các biện pháp kỹ thuật quản lý nuôi cá lồng bè hiệu quả theo Quy chuẩn Việt Nam 02:22:2015/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia cơ sở nuôi cá lồng/bè nước ngọt, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường tại vùng nuôi cá lồng/bè theo kế hoạch đã được phê duyệt tại địa phương; tăng cường kiểm soát các nguồn xả thải để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi.
Khuyến cáo người nuôi trong các năm tới thu hoạch cá trước tháng 4 và ngưng thả nuôi đến hết tháng 6 (thời gian giao mùa) hoặc di dời lồng bè sang khu vực khác để giảm thiệt hại.
Nguồn: tongcucthuysan.gov.vn