Nghề đánh bắt cá trên sông, suối, ao, hồ là một hoạt động phổ biến đối với đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên như Êđê, J’rai, M’nông, bổ sung nguồn thực phẩm tươi sống cho bữa ăn của mỗi gia đình, nhất là ở buôn làng vùng sâu, vùng xa.

Mỗi dân tộc đều có những công cụ đánh bắt cá riêng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh sống của mình. Tìm hiểu về các công cụ và kỹ thuật đánh bắt cá cho thấy khả năng thích ứng, sáng tạo và sự khéo léo của đồng bào Tây Nguyên để đánh bắt được nhiều loại thủy sản ở những địa hình khác nhau.

Vỏ bầu đựng mồi câu, đựng tôm cá.

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thường đánh bắt cá vào những ngày nông nhàn. Người đứng đầu buôn sẽ đưa ra ý kiến để bàn bạc chọn địa điểm, rồi cả buôn cùng ngăn lại một đoạn suối, tát cạn, cùng nhau bắt cá. Họ dùng nơm để úp, dùng rổ để xúc rồi bỏ cá vào giỏ đeo bên hông.

Bên cạnh đó, đồng bào còn sử dụng một loại cây rừng có chứa chất khiến tôm, cá, cua bị say. Bà H’Lưm Uông (ở buôn Dơng Băk, xã Yang Tao, huyện Lắk) cho biết: Vào mùa khô nước cạn, người dân ở các buôn làng vào rừng tìm chặt loại cây này mang về, sau đó đập dập thân và vỏ cây, ngâm xuống suối làm cho cá say. Cá, tôm bị say sẽ nổi lên mặt nước, người dân chỉ việc vớt lên. Cách đánh bắt cá này chủ yếu thực hiện ở một khúc sông, suối vào mùa nước cạn. Còn trên các sông lớn, nước sâu thì cách phổ biến là dùng chài. Lưới chài được đan bằng sợi cây prang (một loại cây lá dài tương tự lá nón) trồng trong rẫy, tước ra. Vì lưới nhẹ không thể chìm khi quăng, họ đã buộc chung quanh lưới những mảnh đồng hoặc những hòn gốm.

Đồng bào còn lấy rong đắp thành bờ, vây chỗ có cá lại, sau đó thu hẹp dần diện tích, rồi dùng vợt xúc cá. Cũng có nơi vào cuối mùa khô, người dân đốt bãi, lúc có mưa nước dâng lên, cá đi vào ăn tro thì dùng đơm úp cá. Dân làng còn rủ nhau xếp đá, đắp những con đập nhỏ, dùng nứa đan những tấm rào chặn ngang dòng nước, đặt đó để bẫy cá. Các dụng cụ đánh bắt cá được đan bằng tre, mây, bộ phận hom được làm bằng que tre nhọn, sắp hình chóp, chừa lối cho cá, tôm, lươn bơi vào nhưng không ra được, thường được đặt ở những nơi ngược dòng nước chảy.

Ðồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thường sử dụng vỏ trái bầu khô để làm giỏ đựng cá, giỏ đựng mồi câu khi đi đánh bắt cá. Từ những trái bầu già có hình nậm, đáy phình to, họ bỏ ruột, ngâm bùn, chùi nhọ nồi cho đen bóng và khoét gọt, làm hom… sao cho phù hợp với mục đích sử dụng.

Du khách tham quan, tìm hiểu hoạt động đánh bắt cá của đồng bào Tây Nguyên tại Bảo tàng Đắk Lắk.

Những công cụ đánh bắt cá của đồng bào Tây Nguyên không gây hại môi trường sinh sống của các loài thủy sản. Đáng tiếc là trong xã hội hiện đại ngày nay, các công cụ này không còn được sử dụng.

Nhằm giới thiệu đến du khách nghề đánh bắt cá của các dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời tại Đắk Lắk, Bảo tàng Đắk Lắk đã nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày bộ sưu tập dụng cụ đánh bắt cá gồm 41 đơn vị hiện vật, trong đó: 17 đơn vị hiện vật của dân tộc Êđê; 15 đơn vị hiện vật của dân tộc M’nông và 9 đơn vị hiện vật của dân tộc J’rai.

Những hiện vật trong bộ sưu tập là nguồn sử liệu quan trọng nhắc nhở con người không chỉ nhớ đến hoạt động kinh tế thuở ban đầu mà còn có ý thức khai thác hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản.

Trọng Thể, Sưu tầm, nguồn: https://baodaklak.vn.

 

TIN KHÁC