Cá rô phi có thị trường rất rộng, nhu cầu tiêu thụ lớn, tuy nhiên, ngành thủy sản nước ta vẫn chưa tận dụng được mặc dù Việt Nam có tiềm năng lớn trong nuôi đối tượng này. Chiến lược đã có, ngàng hàng này cần những gì để trở thành “mỏ vàng”?

      Xóa điểm yếu con giống

      Rô phi là một trong những đối tượng nuôi nước ngọt có giá trị kinh tế và tiềm năng còn rất lớn. Cá rô phi có thể nuôi được nước ngọt, vùng nước ven biển, với nhiều hình thức nuôi sông, hồ, ao; người nuôi có kinh nghiệm, thức ăn chủ động, hệ thống nhà máy chế biến cá… Năm 2019, diện tích nuôi cá rô phi khoảng 30.000 ha và trên 1,25 triệu m3 lồng nuôi, sản lượng khoảng 250.000 tấn. Năng suất nuôi trong ao trung bình 6,28 tấn/ha.

      Tiềm năng nuôi và chế biến cá rô phi hiện còn rất nhiều, song để phát triển phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu lại gặp không ít khó khăn, nhất là câu chuyện thiếu nguồn giống chất lượng cao, kháng bệnh.

      Cả nước có trên 250 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cá rô phi, trong đó có 50 cơ sở nuôi giữ cá bố mẹ với khoảng trên 1 triệu con giống. Mỗi năm Việt Nam sản xuất trên 1,2 tỷ cá rô phi bột và trên 500 triệu con giống, đáp ứng khoảng 75% nhu cầu nuôi trồng. Hiện tại, khu vực các tỉnh phía Bắc còn rất ít cơ sở sản xuất giống cá rô phi do giống rô phi cũ có tốc độ sinh trưởng chậm, trong khi cá rô phi giống mới (dòng rô phi Đường Nghiệp) lớn nhanh, các cơ sở sản xuất giống khó duy trì để phát triển; con giống chủ yếu nhập giống từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, khó kiểm dịch bệnh nên đã “nhập” thêm cả bệnh mới như bệnh do virus TiLV trên cá rô phi được Cục Thú y phát hiện năm 2017.

      Viện Nghiên cứu NTTS I, II cũng đã và đang thực hiện nhiều chương trình chọn giống cá rô phi tại Việt Nam như: Chương trình chọn giống nâng cao tăng trưởng trong môi trường nước lợ (2006 – 2012); Chương trình chọn giống nâng cao tăng trưởng trong môi trường nhiệt độ không tối ưu (2011 – 2013); Chương trình chọn giống nâng cao tốc độ tăng trưởng đang triển khai (2018 – 2021); Chương trình chọn giống cá rô phi dòng GIFT; Chương trình chọn giống cá rô phi đỏ (2008 – 2016); Ứng dụng di truyền phân tử trong công tác chọn giống cá rô phi; Sản xuất giống cá rô phi đơn tính đực…

      Việc sản xuất giống hướng đến sự chủ động trong nuôi cá rô phi cũng thu hút sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp, như Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long, Công ty De Heus đã và đang thử nghiệm con giống cá rô phi mới nhằm cung cấp cung ra thị trường; Tập đoàn Mavin cũng đang đưa ra cá rô phi bố mẹ thế hệ chọn giống mới nhất theo tính trạng sinh trưởng nhanh, tỷ lệ fillet cao, kháng bệnh và đưa ra các giải pháp tổng thể, khép kín chuỗi “Từ nông trại tới bàn ăn”; ứng dụng các kỹ thuật di truyền, công nghệ chọn giống mới nhất (chọn giống gia đình, genomics và transcriptomics). Kết hợp với các viện nghiên cứu, trại sản xuất giống triển khai chương trình chọn giống tại Việt Nam.

      Với những nỗ lực từ phía các viện, trường, doanh nghiệp trong tương lai gần Việt Nam sẽ giải được “bài toán” về chất và lượng giống cá rô phi.

      Đồng bộ giải pháp

      Để phát huy tiềm năng, thế mạnh giúp ngành hàng cá rô phi phát triển hơn nữa, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cụ thể như, về quản lý Nhà nước thực hiện hướng dẫn triển khai Luật Thủy sản 2017 đối với người nuôi: Tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ quản lý và người nuôi; hướng dẫn cấp giấy xác nhận đăng ký đối với cơ sở nuôi lồng bè cá rô phi; hướng dẫn công tác phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi.

      Về tổ chức sản xuất, khuyến khích phát triển các mô hình nuôi cá rô phi/điêu hồng trong ao hồ và lồng bè theo tiêu chuẩn VietGAP và gắn với tiêu thụ sản phẩm hoặc các tiêu chuẩn tiên tiến theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Xây dựng mô hình trình diễn nuôi cá rô phi/điêu hồng theo hình thức “sông trong ao”, công nghệ Biofloc; ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển cá rô phi, nuôi cá đảm bảo an toàn sinh học. Kiểm soát, giám sát hiệu quả chất lượng con giống, môi trường nuôi thương phẩm cá rô phi (dịch bệnh, vật tư đầu vào, chất lượng con giống) theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Cùng đó, hình thành các vùng nuôi rô phi nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu (nuôi cá lồng ở hồ chứa lớn, trên sông; nuôi thâm canh ở một số tỉnh phía Bắc có tiềm năng như: Bắc Ninh, Hải Dương, Hoà Bình, Yên Bái và một số tỉnh ĐBSCL).

      Ngoài ra, để đưa rô phi cùng với tôm và cá tra thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường thế giới cần phải nghiên cứu về tiềm năng của thị trường trong và thế giới để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm; tăng cường phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm kể cả trong nước và xuất khẩu, chú ý ưu tiên tạo giống tốt, phát triển sản phẩm cá giống và thương phẩm sạch. Tăng cường tuyên truyền, giới thiệu cá rô phi với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Phối hợp với các đơn vị trong Bộ NN&PTNT tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhất là tại các thị trường mà Việt Nam có lợi thế như EVFTA và CPTPP, tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp tham gia chế biến và xuất khẩu cá rô phi. Mặt khác, tiếp tục giữ vững cơ cấu các thị trường xuất khẩu: Mỹ, EU và châu Phi; đồng thời phát triển các thị trường tiềm năng khác như Canada, Trung Đông, một số nước Đông Nam Á và phát triển thị trường trong nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động tìm hiểu các thông tin về thị trường, đảm bảo chất lượng và ATTP theo yêu cầu, liên kết, hợp tác và yêu cầu người dân sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường.

      Cùng với đó, việc sản xuất cá rô phi cũng cần chú trọng các giải pháp về kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng khoa học công nghệ, thức ăn, môi trường, dịch bệnh, vốn…

Theo: Trần Công Khôi – Vụ Nuôi trồng thủy sản

TIN KHÁC