Trèn bầu là loài cá da trơn có thịt ngon nên rất được ưa chuộng, nhưng hiện đang bị khai thác quá mức vì giá trị kinh tế khá cao. Để phát triển bền vững đối tượng này, cấp thiết cần xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và thử nghiệm nuôi thương phẩm.

Đặc điểm

Cá Trèn bầu (Ompok bimaculatus) là loài cá nước ngọt bản địa quen thuộc ở ĐBSCL. Đây là một loài có giá trị kinh tế và là nguyên liệu để chế biến thành những món ẩm thực dân dã. Cá Trèn bầu có nguồn gốc ở Biển Hồ, Campuchia. Ở Việt Nam, cá Trèn bầu phổ biến ở miền Nam, nhưng tập trung nhiều ở vùng trung và thượng lưu sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và các sông suối Tây Nguyên, loài cá này đặc trưng cho khu hệ cá vùng Đông Nam Á và sống thành đàn ít hoạt động, thường chụm lại thành khối trong hốc đá, hốc cây ven bờ.

Cá Trèn bầu sở hữu thân dài, dẹp bên, đầu ngắn và rộng. Khi nhìn từ trên xuống mõm cá trèn bầu có dạng hình vuông. Răng hàm của cá khá nhỏ và nhọn. Râu hàm trên dài đến vây ngực, có khi dài đến vây hậu môn. Vây bụng nhỏ còn vây đuôi thì chẻ hai, đặc biệt có đốm tròn màu tím đen nằm sau nắp mang, gốc vây đuôi có vệt màu tím nhạt. Cá Trèn bầu có thể sinh sản quanh năm, chúng tập trung sinh sản từ tháng 4 đến tháng 10, phát triển tốt nhất vào tháng 7 – 8 hàng năm. Chúng thường có tập tính di cư sinh sản với hệ số thành thục cao.

Cá Trèn bầu rất nổi tiếng là cá đặc sản, rất ngon với câu ca dao “Con cá lưỡi trâu, sầu đâu méo miệng; Con cá Trèn bầu nhiều chuyện sứt môi”. Cá Trèn bầu có thân hình mỏng dài, mềm, thịt ngọt và thơm, có giá trị xuất khẩu cao nhờ thịt nhiều, ngon và ít xương. Ngoài hai phần thịt nạc gù trên sống lưng cá, phần bụng cá rất béo nên trở thành “đặc sản”. Cá Trèn bầu được chế biến thành nhiều món ngon, đặc biệt làm mắm rất độc đáo. Cá Trèn bầu giống xuất khẩu với giá 3 USD/con.

Bảo tồn nguồn giống

Từ lâu, cá Trèn Bầu được ngư dân ở khu vực ĐBSCL khai thác quanh năm ngoài tự nhiên bằng nhiều phương pháp khác nhau. Kích thước cá khai thác trung bình dao động từ 17 – 30 cm (Nguyễn Văn Hảo, 2005; MRC, 2008) và lớn nhất là 50 cm (Mai Đình Yên và cs. 1992). Tuy nhiên, những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và hoạt động khai thác bừa bãi đã có tác động xấu đến điều kiện sống của nhiều giống loài thủy sản, sản lượng cá khai thác được ngày càng giảm sút. Trong khi nhu cầu của con người đối với loại thực phẩm này ngày càng cao. Vì vậy, việc sản xuất giống nhân tạo là hết sức cần thiết.

Nhằm đa dạng hóa loài nuôi bản địa và bảo tồn nguồn lợi thủy sản, năm 2018, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Trèn bầu tại An Giang” do Trường Đại học An Giang chủ trì, ThS Lê Văn Lễnh chủ nhiệm; thời gian thực hiện 30 tháng; tổng dự toán kinh phí thực hiện trên 825 triệu đồng. Mục tiêu đề tài nhằm cung cấp cơ sở khoa học góp phần xây dựng quy trình sản xuất giống và mô hình nuôi thương phẩm cá Trèn bầu. Từ đó chủ động con giống cho người nuôi, đa dạng hóa loài cá nuôi bản địa và phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản nước ngọt ở ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, tiến đến bảo tồn và phát triển nguồn gen cá Trèn bầu.

Hướng đi mới

Sau hơn 2 năm thực hiện, đề tài đạt được một số kết quả nổi bật như sau: Nuôi vỗ thành thục sinh dục cá Trèn bầu trong ao: Tỷ lệ thành thục >70%, hệ số thành thục >5% ở thời điểm chính vụ (từ tháng 5 – 9); Kích thích sinh sản bán nhân tạo: tỷ lệ cá rụng trứng >70%, sức sinh sản thực tế >200.000 trứng/kg cá cái, tỷ lệ thụ tinh >70%, tỷ lệ nở và tỷ lệ sống cá bột  >70%. Kỹ thuật ương cá bột lên cá giống chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Ương từ 1 đến 30 ngày tuổi: tỷ lệ sống  >30%; giai đoạn 2: Ương từ 31 đến 90 ngày tuổi: tỷ lệ sống >50%, kích cỡ trung bình 1,5 g/con.

Xây dựng quy trình nuôi thương phẩm cá Trèn bầu trong lồng bè với 22.000 con giống (1,5 – 2 g/con). Tỷ lệ sống >60%; FCR: 2 – 2,5 đối với thức ăn công nghiệp, 4 – 5 đối với thức ăn cá tạp; 207 kg cá Trèn bầu thương phẩm (cỡ 100 g/con); năng suất: 4 – 5 kg/m3. Đồng thời, đề tài đã hỗ trợ đào tạo 5 sinh viên Đại học và 1 nghiên cứu sinh cho tỉnh An Giang; đào tạo cho 3 cán bộ kỹ thuật trong tỉnh nắm được kỹ thuật nuôi và sinh sản cá Trèn bầu.

Nguồn: thuysanvietnam

TIN KHÁC