Ngay sau khi có đầy đủ tài liệu về vi phạm trên diện rộng của các đối tượng dùng kích điện, vó đèn “tận diệt” các loài thủy sinh trên hồ Thác Bà, nhóm Phóng viên đã lập hồ sơ gồm báo cáo, ảnh, video gửi tới ông Trần Huy Tuấn – Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái.
Lập tức, một đoàn kiểm tra được “ra quân” trong nhiều đêm liên tục, Trưởng đoàn là ông Lã Tuấn Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình (huyện có diện tích hồ Thác Bà trên địa bàn nhiều nhất), cùng đi có Thượng tá Đỗ Tùng Bảo – Phó Trưởng Công an huyện, và nhiều chiến sỹ công an huyện, xã, đơn vị quản lý thủy hải sản, liên ngành nói chung. Phía huyện Lục Yên, nơi quản lý diện tích mặt nước Hồ Thác Bà, cũng “xuống hồ” ra quân tương tự.
Trời đêm bịt bùng, 1.300 hòn đảo, cùng “mò kim đáy bể”
Có đi trắng đêm mới biết các đối tượng bắt cá kiểu hủy diệt cực kỳ ma lanh và lì lợm. Chúng tôi đi từ trước 19 giờ, đi cả tiếng đồng hồ mới tới khu vực mà “chưa bị chiến dịch” đánh động tới. Vì các đêm kiểm tra trước đã khiến người đi kích cá ở các xã gần trung tâm huyện “im hơi lặng tiếng chờ thời tái xuất” rồi.
Phụ trách một con tàu tương đối lớn, với ghế ngồi rộng rãi, kín gió và di chuyển khá êm cho gần hai chục người là ông Hùng. Một người “nổi tiếng” trong vùng, với các hoạt động làm du lịch trên hồ Thác Bà trong nhiều năm, ông Hùng treo ảnh mình vinh dự được gặp và chụp chung với nhiều vị lãnh đạo Chính phủ ở nơi trang trọng giữa nhà mình. Ông bảo, đi đưa đoàn thế này, vừa là kinh doanh dịch vụ vận chuyển sông nước; nhưng cũng là nhiệm vụ chính trị. Theo ông Hùng, họ đi đánh cá bằng điện, bằng vó bè tràn lan. Không dễ gì kiểm soát được, trừ khi xử phạt thật nghiêm, tuyên truyền trên diện rộng và duy trì việc ra quân thường xuyên.
Ông Nguyễn Xuân Trường – Chủ tịch UBND huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái khi mời chúng tôi lên tham gia đoàn liên ngành, đã hạ quyết tâm, nói: “Địa phương sẽ dựng những pa-nô lớn ở các xã, đặc biệt là các bến nước ven hồ, nơi các đối tượng kích cá, đánh vó bè mắt lưới nhỏ hay “xuống hồ” kiếm cá. Công an huyện rà soát các thôn xóm, các xã, lập danh sách từng đối tượng có “tiền sử” đánh cá bằng phương pháp hủy diệt như kích điện, lưới – vó mắt nhỏ. Một tổ dân cư ở thị trấn đã có 13 người vào “sổ đen kích cá”.
Họ yêu cầu ký cam kết, nếu tái phạm sẽ tiêu hủy phương tiện, tịch thu ắc quy, củ kích, thậm chí cả tàu thuyền. Vi phạm nhiều lần và có tình tiết tăng nặng, có thể phải gánh chịu mức phạt cao nhất là khởi tố hình sự, mức án tù có thể lên tới 10 năm vì tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản.
Đêm, trên hồ mênh mông nước thật sự quá bịt bùng, vô cùng cam khó. Thậm chí, đi tàu lớn tuần tra, một đêm mất tới mấy trăm lít dầu máy, tính ra hàng chục triệu đồng. Quá đắt đỏ so với đi xe máy hay ô tô đi cùng một quãng đường. “Huyện, mỗi năm được cấp vài chục triệu đồng phục vụ tuần tra, kiểm sát, với nhiều nội dung, chứ không chỉ chống lại nạn kích cá hay vó lưới mắt nhỏ. Giờ đi tuần tra vài đêm là… hết veo”, lãnh đạo huyện Yên Bình nói.
Quả thật, mỗi năm, ngân sách nhà nước bỏ ra nhiều tỷ đồng để thả các loài cá nhỏ xuống hồ, cho chúng lớn lên, để bà con đánh bắt. Không ai cấm bà con khai thác thủy sản, phục vụ mưu sinh. Chỉ là cấm đánh bắt tàn nhẫn, tận diệt, ích kỷ và vi phạm pháp luật kiểu dùng dòng điện công suất lớn giết cả hệ sinh thái, cả ấu trùng và trứng cá, nhất là vào mùa cá vật đẻ. Cấm dùng lưới mắt siêu nhỏ, giết cả cá sơ sinh; cấm dùng thuốc nổ hay chất độc giết cá…
Chúng tôi đi qua nhiều hòn đảo nổi đen đúa trong trời đêm, giữa hồ Thác Bà. “Mênh mông bể Sở” thế này, thì chúng tôi có đi trắng nhiều đêm, trắng nhiều đêm, cũng chỉ “thầy bói xem voi” mà thôi. Qua nhiều khu vực đèn sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Lã Tuấn Hưng – vốn là lãnh đạo phòng Nông nghiệp huyện trong nhiều năm, từng nhiều năm quyết liệt ra quân, cùng lực lượng chức năng có trang bị súng AK đi xử lý các “đầu bò đầu bướu” đi hủy diệt cá trên hồ Thác Bà – cùng với “thuyền trưởng Hùng”, liên tục phát hiện ra các ánh đèn công suất lớn để dụ cá vào vó để “trục vớt”, với cả thiên la địa võng lưới mắt nhỏ. Cá lớn bé, đặc biệt là cả các loài cá siêu bé cũng không thể nào thoát khỏi lớp lưới mà mỗi mắt lưới chỉ nhét vừa hạt đậu xanh kia. Biết vậy, Phó Chủ tịch Hưng vẫn ra hiệu: “Đi, kệ họ”.
“Đấu trí” với những đối tượng vi phạm tinh quái nhất
Rồi anh rỉ tai tôi: “Giờ mình phá tời, cắt lưới, thu bóng đèn của họ, họ không dám chống lại mình đâu, có lực lượng Công an ở đây. Nhưng rút dây động rừng. Họ gọi điện báo cho các nơi là lộ hết, là họ bỏ trốn, phi tang hết; “tay trắng” không xử lý được ai đâu”.
Tôi bảo, thế giờ đi đâu? “Đi bắt bọn kích cá đã. Bọn này linh động, gặp tàu lạ là nó nghi ngờ, tắt kích cá, tăng tốc tàu xé gió biến mất trong đêm đen của hồ rộng 19.000 ha! Thậm chí, họ vứt bỏ vợt kích, củ kích điện xuống hồ để phi tang. Còn ắc quy, họ bảo em dùng thắp sáng, quạt mát. Em có kích cá đâu mà bác dám thu của em. Thế nên phải bí mật bắt quả tang. Bắt bọn đó mới khó, chứ bọn vó bè thì… cho 3 ngày họ cũng chẳng di chuyển được hệ thống lưới mắt nhỏ rộng vài trăm mét vuông kia đi đâu được!”.
Chúng tôi đi hai tàu, đều có công an và lực lượng liên ngành yểm trợ. Tàu đi trong đêm, nhìn bóng núi lờ mờ bốn phía mà định hướng, chứ không được bật đèn sáng. Họ nghe tiếng tàu chạy, không biết tàu nào đang tới. Chứ bật đèn là họ biết ngay tàu nào làm nhiệm vụ gì và sẽ chạy trốn hoặc xoá dấu vết vi phạm. “Bọn tôi gặp cảnh họ vứt cả kích, vứt cả ắc quy xuống hồ để phi tang rồi. Có lần, “cay” quá, chúng tôi yêu cầu giữ nguyên hiện trường, cho người lặn xuống, đem tang vật lên. Lập biên bản, yêu cầu người vi phạm ký. Rồi bàn giao vụ việc, yêu cầu UBND xã, công an xã sở tại phải xử lý nghiêm, rồi báo cáo lại huyện”, một cán bộ nói.
Liên ngành, mỗi người một kinh nghiệm cùng chụm đầu bàn tính: Cái đèn nào nó nhấp nháy hơi đỏ vàng, thì là đèn tín hiệu giao thông thủy, họ dựng cột thông báo ở ven các đảo xanh. Đèn sáng, mà lúc hắt ánh sáng xuống mặt hồ, rồi ngước lên, lúc lại soi vào bờ, thì là đèn đội trên đầu của những người kích cá điện (hoặc dân bẫy chim đêm). Đèn sáng quắc ở giữa hồ, ven hồ nhưng có cọc treo đèn, mà soi vào đảo, nhìn thấy các trụ gỗ lớn thấp khoảng 1m; ở đó có tời quay và dây chão thì đích thị là… vó bè “khủng”.
“Có đèn giống như bọn kích cá!”
Nghe tiếng hô của chiến sỹ trẻ, SN 1995, người Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, công tác tại Công an huyện Yên Bình. Tàu ngừng ga, thả trôi, các đèn sáng nhất bắt đầu soi. “Có thuyền máy nhỏ, có đèn đội đầu”. Chúng tôi áp sát. Bị đèn soi từ tàu lớn, người lềnh bềnh giữa hồ lớn với con tàu nhỏ xíu tỏ ra ái ngại.
Anh lính trẻ tỏ ra thân thiện: “Anh ơi, em hỏi đường đi về thị trấn Yên Bình phía nào nhỉ? Bọn em lạc đường rồi”. Trong lúc ông kia chỉ đường, các đèn pin quét dọc con thuyền máy, từng hốc, từng góc. Họ tìm dấu hiệu của một chiếc ắc quy có củ kích điện, vợt dài có dòng dây điện loằng ngoằng, có nút ấn “phóng điện”. Họ tìm các dấu hiệu đánh bắt thủy sản hủy diệt khác.
Có lúc gặp vài người đi đánh cá nhưng là đánh bằng lưới với mắt lưới đủ to để không vi phạm Luật Thủy sản. Thế là chúng tôi giả đò cảm ơn, chúc lênh đênh trên hồ đêm an toàn.
“Phải giả đò lạc đường, chứ giờ kiểm tra họ nghiêm túc quá, là họ sẽ gọi điện báo cho các người vi phạm khác. Thì mình không sao bắt được họ đâu. Vì trong phạm vi này, người ta quen nhau cả, biết nhau kiếm ăn bằng nghề gì cả. Thậm chí họ có nhóm kín trên mạng xã hội, thấy “động” là báo tin cho nhau chạy trốn và phi tang ngay”.
Tiếng máy tàu êm ru, xé nước mà lướt đi. “Đây rồi, kích cá rõ ràng!”, một đồng chí ở mũi tàu cầm đèn pin hô khe khẽ.
Tàu tấp vào, yêu cầu người lái thuyền máy cho kiểm tra, lên tàu lớn trao đổi công việc với đoàn liên ngành. Kích điện bị tịch thu. Dùng hay không dùng, đủ dụng cụ kích điện, ắc quy, vợt có dây dẫn, không thể nào chối cãi được nữa. Dẫu không bị bắt quả tang đang kích cá và có cá trong lòng thuyền, trong thùng xốp, thì vẫn bị xử lý như thường. Trên tàu của đoàn, tối hôm trước, đã bắt được một bộ ắc quy công suất lớn kèm theo thiết bị đánh bắt cá hủy diệt. Hôm nay, chúng tôi lại xử lý vài trường hợp nữa. Cơ quan công an triệu tập hai đối tượng vi phạm cùng bộ kích cá nặng vài chục cân, trị giá hàng chục triệu đồng lên bến sông.
Các đối tượng bước đầu thừa nhận sai phạm, họ lấy lý do đời sống khó khăn, sau bão lũ quá lớn Yagi, cá nuôi lồng bè bị sổng hoặc chết nhiều, không có tiền mua thức ăn công nghiệp cho cá nuôi lồng bè của mình, họ bèn lập vó lưới mắt nhỏ, kèm theo kích điện hạ sát hàng loạt các loài thủy sản để “bắt cá lớn về bán, bắt cá con về làm thức ăn cho cá nuôi”.
Có đối tượng, hai anh em sống trên một khu lồng bè, làm tới 3 hệ thống vó bè. Có trường hợp, hai anh em Mai Văn Toản, Mai Văn Đông (xã Phúc An, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) cùng đi kích cá và cùng bị đoàn chúng tôi bắt quả tang dùng kích điện rất to, dây cáp lớn – dài, vùng “giết chóc” bằng điện công suất lớn phủ rộng. Một “thiết bị” đánh bắt tận diệt cực kỳ đáng sợ. Kế bên, hai đối tượng Hứa Văn Quang, Hứa Kim Trọng ở thôn Làng Nồi, xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình bị bắt quả tang sử dụng vợt kích điện, thêm mấy cái vó bè mắt lưới nhỏ kết hợp ánh sáng đèn công suất lớn để dụ cá.
Có lăn lộn, có khi phải trắng đêm mới biết, sự cam khó của việc đi bắt các đối tượng tàn sát “thủy giới” của “Vua Thủy Tề” ra sao. Trọng và Quang (hai đối tượng bị xử lý đã kể ở trên, người thôn làng Nồi, xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình) đều cãi bay cối đá. Bình ắc quy cháu dùng để thắp bóng đèn, lấy ánh sáng, sinh hoạt trên bè cá, đồng thời chạy camera giám sát. Vợt kích cá thì người ta gửi ở nhà cháu. Vậy các bác thu vợt, chứ không thu ắc quy của cháu được.
Cãi xong vụ kích cá. Hai anh em Trọng và Quang cãi tiếp vụ 3 bóng đèn dụ cá rồi lập vó lưới mắt nhỏ. Chúng tôi vừa nhìn thấy điện sáng, nhìn thấy cả tời kéo vó. Sao đến đây thì các ngọn điện đồng loạt tắt? “Điện nhà cháu bị hỏng ạ. Giờ không bật được nữa. Đây, cháu đóng điện nhé, dây dợ lằng nhằng các bác xem”. Cu cậu đóng các kiểu, quả nhiên không ngọn điện nào ngoài hồ Thác Bà gần lồng bè của cậu nó sáng lên. Hệ thống điện đấu kỳ bí của hai ông chủ lồng bè thì có giời mà lần ra được.
Trước thủ đoạn của các đối tượng (tất cả các đối tượng bị xử lý trong đêm ấy đều nói một giọng điệu như thế), ông Lã Tuấn Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện đã nhấn mạnh: “Mai chúng tôi sẽ xử lý. Tôi sẽ yêu cầu Chủ tịch UBND xã nghiêm túc chỉ đạo và báo cáo tình hình. Tôi cho anh một đêm để suy nghĩ và thành khẩn”. Tang vật bị tịch thu, cho lên tàu. Thấy các đối tượng còn quanh co, một cán bộ liên ngành, ngồi trước mặt hai anh em Trọng và Quang, gọi điện cho Chủ tịch UBND xã mà hai “ngư dân” đang sinh sống, yêu cầu xác minh thông tin.
Không thể chối cãi, cả hai đã phải ký vào biên bản vi phạm và hứa tháo dỡ vó bè ngay hôm sau, chấm dứt đánh cá bằng kích điện. Việc xử phạt được giao lại cho UBND xã sở tại. Đoàn liên ngành cũng dùng dao dựa phá hủy toàn bộ hệ thống các vó bè “vô chủ”, với tời, dây chão trên bờ và vó lưới rộng vài trăm mét dưới hồ.
Kết thúc một đêm tuần tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm đánh bắt thủy sản tận diệt trên hồ Thác Bà, ông Lã Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình – trưởng đoàn liên ngành sau khi trực tiếp gọi điện chỉ đạo lãnh đạo UBND các xã vùng lòng hồ, ông khẳng định: “Đến 15/12/2024 trên vùng hồ thủy điện Thác Bà sẽ không còn tình trạng dùng kích điện, vó đèn để đánh cá”.
Ninh Bình: Nhức nhối nạn sử dụng “kích điện” hủy diệt
Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Ninh Bình), 10 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh đã phát hiện 200 vụ với 200 đối tượng sử dụng xung kích điện để khai thác thủy sản. Đã ban hành 32 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 vụ, 32 đối tượng, thu và nộp Kho bạc Nhà nước tổng số tiền là gần 115 triệu đồng. Cùng với đó, cơ quan chức năng đã củng cố hồ sơ 164 vụ để tiếp tục xử phạt vi phạm; tịch thu 5 kích điện, 3 càng điện cầm tay, 3 giã điện, 50 m dây điện, 1 bình ắc quy 12V…