Ở một số địa phương, nhờ biện pháp mạnh, minh bạch và quan tâm đến lợi ích thiết thực của người dân, nên bà con rất ủng hộ câu chuyện chống mọi hình thức đánh bắt thủy sản hủy diệt.
Hồ Thủy điện Na Hang (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) rộng tới 8.000ha, đưa vào sử dụng từ năm 2008, cùng với việc khánh thành Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang. Công suất chứa của hồ lên tới 1,5 tỷ mét khối nước. Thế nên, công tác quản lý, ngăn chặn thảm hoạ kích cá đã từng rất rất nóng.
Chia tổ đội ngăn chặn đánh bắt hủy diệt
Vài năm trước, khi thấy tràn lan kích cá hủy diệt ở vùng ven hồ thuộc các xã Yên Hoa, Đà Vị.., với những đoàn thuyền lãng mạn gối đầu vào bờ nước; mà tràn lan vợt kích cá với dây điện lòng thòng xanh đỏ; lại thấy nhiều người khoe vẫn thường đi kích cá bắt cả những con cá nặng hàng chục cân, ở dưới sâu gần 20m nước; lại thêm trò dùng xi măng nắm vào lẫn với ngô sắn để nhử tôm ăn gây nguy hại cho sức khoẻ người tiêu dùng (xi măng để tránh mồi đánh tôm bị rữa nhanh)…
Chúng tôi đã trực tiếp tìm gặp ông Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện và lực lượng Công an huyện Na Hang, đề nghị vào cuộc xử lý. Sự hết lòng của các chiến dịch ra quân sau đó. Kế hoạch chặt chẽ lâu dài của biện pháp ngăn chặn bền vững mà huyện Na Hang thực hiện. Có thể trở thành bài học quý cho các điểm nóng dùng nguồn điện, kích cá hủy diệt nguồn lợi thủy hải sản khác.
Hồi đầu, ông Tô Viết Hiệp cho biết: “Mùa từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm là mùa cá sinh sản, công an huyện bắt và xử lý các đối tượng kích cá trái phép khá nhiều. Tháng vừa rồi, cơ quan chức năng bắt tới 8 vụ. Công an phải mật phục, theo dõi kĩ mới bắt được họ trong đêm, giữa hồ mênh mông”.
Theo đại diện Công an huyện Na Hang, trong nhà kho của công an huyện, hiện đang có khoảng 50 bộ kích điện đánh bắt hủy diệt thủy sản bị thu giữ. Theo Nghị định Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019 của Chính phủ, mỗi đối tượng vi phạm lần đầu phạt từ 3 – 4 triệu đồng.
Gần đây, kích cá vi phạm khi bị bắt có giảm (chỉ bắt giữ khoảng 10 vụ một năm) và công suất của kích điện đều khá nhỏ; do kích nguy hiểm nhất, to lớn nhất đều bị bắt trong các cuộc ra quân cao điểm hồi năm 2018 – 2019 (sau thời gian ra đời của Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019). Hồi đó, mỗi năm xử lý khoảng 30 vụ vi phạm với tang vật là các bộ kích cá đặc biệt nguy hiểm cho môi trường.
Ngoài sử dụng xuồng máy đi tuần tra kiểm soát, thì lực lượng ngăn chặn nạn sử dụng kích điện còn phải hoá trang, điều tra, cài cắm… trước khi ập vào bắt giữ. “Chứ lực lượng đến gần là họ vứt hết kích điện xuống hồ, phi tang mọi thứ. Có khi áp sát đối tượng cũng phải giữ lấy họ, dùng thêm phao cứu sinh cẩn thận, kẻo họ sợ hãi lao xuống hồ mênh mông trong đêm tối, nhỡ ra gây xảy ra tai nạn chết người thì rất tai hại”, một đồng chí công an cho hay.
Công an huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào cuộc rà soát toàn bộ các tàu thuyền tham gia đánh cá trên mặt nước hồ Thủy điện Tuyên Quang. Họ cần đăng ký, có biển số cho tàu thuyền đủ tiêu chuẩn, ký cam kết không vi phạm đánh bắt thủy sản theo lối hủy diệt. Nếu cơ quan chức năng phát hiện sẽ xử lý nghiêm minh.
Ông Nông Văn Ngân – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phú, huyện Na Hang, đã phát biểu như là hứa “như đinh đóng cột” với cán bộ huyện và nhà báo: “Xã có 8 thôn, hơn 700 hộ, hơn 3.000 nhân khẩu. Hiện nay, kích điện thì hầu như ở địa bàn xã chúng tôi không ai còn dùng. Vì biết đó là “hàng” vi phạm pháp luật. Thời gian gần đây, lãnh đạo huyện, công an huyện chỉ đạo không đánh bắt tận diệt kiểu vó lưới mắt nhỏ, vó đèn, nên cũng đã hạn chế lắm. Có công ty thả 100 tấn cá nhỏ xuống hồ, phải đợi 6 tháng sau cá lớn mới được đi đánh bắt. Cá khoảng 5 lạng trở lên mới bắt…”.
“Tổ tự quản của xã có hơn 70 nguời, chia về các thôn có hồ thủy điện bao quanh. Khi thấy người nơi khác đến kích cá, thì chúng tôi ngăn chặn, đồng thời cấp báo với các đồng chí trên huyện. Huyện cử người xuống cùng xã vây bắt. Tuy nhiên là ngăn chặn bọn kích cá không dễ đâu.
Bởi họ là người trộm cắp, lúc nào cũng rất cảnh giác, luôn chủ động bỏ trốn. Đầu này đến đầu kia hồ là mấy chục cây số chiều dài, nhiều chỗ ẩn nấp, họ phi tang dụng cụ kích điện là xong. Bắt được họ đi tàu thuyền với chiếc ắc quy điện rất to, họ bảo ai cấm dùng cái này đâu. Tôi dùng để thắp sáng mà. Thế nên, giờ chúng tôi thấy họ làm sai, trước hết quay phim chụp ảnh lại làm chứng. Sau này nhận mặt, nhận ra con tàu đấy, đi “phạt nguội” sau!”.
Nếu họ kích cá, chúng tôi là chịu thiệt đầu tiên!
Để tránh nạn kích cá, tránh bị đánh bắt hủy diệt, huyện chia diện tích mặt hồ ven bờ (ít ai kích cá ngoài giữa hồ sâu mênh mông) thành các khu vực do các xã gần hồ quản lý. Xã Sơn Phú chúng tôi quản lý 800ha diện tích mặt hồ. Trong đó, có 50 hộ thanh gia đánh bắn thủy sản theo cách an toàn, bền vững, 20 hộ nuôi cá lồng bè: mỗi hộ có 1 người tham gia tổ tự quản, tổng cộng là 70 thành viên.
Trong cộng đồng dân cư toàn xã, chúng tôi lại có các nhóm liên kết với nhau. Họ có “trụ sở” trên hồ, với dụng cụ đánh bắt để trong nhà kho, thu giữ được dụng cụ đánh bắt trái phép cũng bỏ đó. Có kẻ lạ vào đánh bắt bừa bãi là xua đuổi và báo cho cơ quan chức năng xử lý.
Vì: nếu họ đánh bắt tận diệt trên diện tích hồ do mình quản lý (nguyên liệu sản xuất của mình) thì mình là người chịu thiệt đầu tiên. Cứ có kẻ kích cá là chúng tôi xua đuổi. Diện tích mặt hồ được bảo vệ nghiêm túc, chặt chẽ”.
Xã có một tổ cộng đồng, rồi trong đó có 3 nhóm, nếu phát hiện ai đó vi phạm, thì trước hết tuyên truyền, giải thích, “xua đuổi” họ đi. Tổ chống kích cá đi phát tờ rơi, tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động người dân có trách nhiệm tìm hiểu, tố cáo, kiến nghị để xử lý mọi sai phạm liên quan tới lĩnh vực đánh bắt cá hủy diệt.
Ông Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phú dành nhiều thời gian kể với chúng tôi về cái vất vả và mưu lược của việc đi bắt những kẻ kích cá trái phép. “Tóm được họ là rất nguy hiểm đấy. Bộ kích của họ phát ra nguồn điện rất mạnh, họ dí vào chống trả là điện giật chết người. Thuyền máy của họ, khi tăng tốc xé làn nước mà chạy, đâm vào đâu thì chết người ở đó. Có khác gì bắt bọn đua xe máy trên cạn đâu. Lúc hết đường chạy thì họ vứt bỏ dụng cụ trái phép xuống hồ nước sâu vài chục mét. Trời đêm, ai mò được những tang vật ấy lên mà xử lý? Có khi chỉ soi đèn pin, nhìn rõ mặt họ rồi sau này mình lên danh sách theo dõi xử lý sau”.
“Có anh Hà Văn Tuân, công an xã, cũng bị tai nạn trong trường hợp đi bắt bọn kích cá trộm. Khi chúng tôi tiếp cận để tịch thu kích cá, họ húc thuyền về phía thuyền của tổ công tác, khiến chân anh Tuân bị thương nặng, trong vài tuần không đi làm nổi. Ngoài số cá bị nhóm đánh kích bắt đi, giết đi, số sống sót, đều bị méo mó, vẹo vọ, có khi cong lưng, cong xương. Lúc họ dùng điện dò cá quất, cá chiên ở ngoài hồ, cách cả 500m, mà cá lồng bè nuôi của chúng tôi cũng sợ hãi nhảy loạn lên trong lồng. Nguồn điện của họ ảnh hưởng rất xa và rất tai hại”.
Ông Phùng Xuân Sơn, Tổ trưởng tổ đồng quản lý mặt nước hồ của thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú nhớ lại: Để “dẹp yên” được nạn kích cá hủy diệt như hiện nay, chúng tôi phải đi tuần tra kiểm soát bằng tàu lớn. Gặp ai vi phạm sử dụng kích cá trong mùa nước lên, là nhắc nhớ và yêu cầu không tái phạm. Vi phạm là xử theo Luật Thủy sản, rất nặng nề. Chúng tôi phổ biến: các công ty họ đến thả cá con, đợi cá lớn, ta bắt về bán cho họ, họ thu mua tại thị trấn. Ta quá sức là được lợi. Thế mà giờ kích điện giết hết cá và trứng cá đi. Bắt cá con, bán chả ai mua. Công an bắt được thì tội rất nặng, có thể bị khởi tố hình sự. Mà lại mất nguồn thu của chính mình và bà con mình trong tương lai. Sao bà con dại thế.
Bây giờ, cứ thuyền dài từ 6m đổ lên là phải đăng ký với huyện mới được đi đánh bắt. Lúc đăng ký phải ghi rõ đánh bắt con gì, ví dụ, đi đánh tôm mà dùng vó bè là sai rồi. Tổ tự quản của các xóm Nà Lạ, Phia Phoong, Bản Lãm… của xã Sơn Phú chúng tôi luôn làm rất nghiêm theo Luật Thủy sản.
“Để giảm thiểu tình trạng kích cá, dùng xung điện, theo tôi, cần phân tích cho bà con thấy tính chất hủy diệt và sự nguy hiểm của lối đánh bắt hủy diệt. Bà con trước đây, mỗi hộ có thể có một cái kích cá. Giờ họ hiểu luật, không ai dám kích cá ở hồ nữa, nếu việc kích cá bại lộ có thể bị phạt nặng, thậm chí bị truy tố. Người nào liều lắm, chỉ dám kích trộm ở các sông suối nhỏ rất xa hồ thủy điện”.
Mời những người “tàng trữ” kích điện lên UBND xã làm việc
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy một mô hình “tiễu trừ” kích điện và các lối đánh bắt thủy hải sản hủy diệt nữa ở Việt Nam, là cách làm của cơ quan chức năng tỉnh một số tỉnh thành miền Trung và Nam bộ. Một trong số đó là tỉnh Quảng Nam. Ông Võ Văn Long, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) tỉnh Quảng Nam cho biết:
“Trước đây, do lực lượng còn mỏng khó bắt giữ, ngăn chặn, xử lý được hết được các vi phạm về kích cá. Rất may, giờ có cả công an chính quy về địa phương, họ phối hợp với các đồng chí bên biên phòng. Cả liên ngành phối hợp tuyên truyền, răn đe. Chúng tôi cũng tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm tra, tuyên truyền các nội dung vi phạm liên quan đến khai thác thủy sản.
Nhờ thế, mấy năm gần đây, tình trạng sử dụng kích điện đánh bắt thủy sản ở Quảng Nam giảm dần. Hiệu quả của các công tác ngăn chặn kể trên là rất cao. Dĩ nhiên, cũng khó để bắt quả tang họ đang kích cá. Cứ thấy lực lượng chức năng đi kiểm tra là họ bỏ chạy. Họ quăng hết thiết bị ra xa, xuống sông hồ. Như vậy không bắt quả tang, cũng không dễ gì thu được tang vật. Và, không xử phạt được.
Đáng chú ý, từ khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn sử dụng kích điện, từ xã, thôn xóm đã liên tục tuyên truyền. Những đối tượng có đi kích thì UBND xã mời lên trụ sở làm việc, thông báo việc làm vi phạm pháp luật và mức phạt, sau đó dân quân tự vệ phối hợp với liên ngành tăng cường tuần kiểm tra giám sát, phát hiện vi phạm là xử lý nghiêm.
Qua nhiều năm thường xuyên tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau, như cắm rất nhiều biển cấm đánh bắt thủy sản bằng các hình thức kích điện, xung điện mang tính hủy diệt. Từ đó, nhận thức của bà con về lĩnh vực đánh bắt hải sản hủy diệt này nâng cao rất rõ rệt. Nếu ai còn “tàng trữ” kích cá kích điện thì là hành vi cố tình vi phạm luật, sau khi đã được vận động tuyên truyền “từ bỏ hình thức đánh bắt hủy diệt” này. Khi đó, nếu bị phát hiện, việc xử lý sẽ rất nặng nề. Nhiều người, chỉ đi trên đường, mang theo đồ kích cá đã bị “tóm” rồi”.
Thu 1.800 bộ kích điện; đổi “kích” lấy gạo và nhu yếu phẩm
Trước nạn dùng kích điện có công suất lớn để khai thác thủy hải sản kiểu tận diệt của một bộ phận người dân, Công an xã Tân Lộc (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đã phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời phát động phong trào đổi dụng cụ kích điện (và các dụng cụ đánh bắt thủy hải sản hủy diệt khác) lấy gạo, và nhiều loại nhu yếu phẩm.
Đợt phát động phong trào “đổi kích điện lấy quà” được xã Tân Lộc thực hiện từ ngày 19/8 đến hết ngày 20/10 năm 2024. Qua chưa đầy 2 tháng, người dân trong xã đã tự nguyện giao nộp gần 60 bộ kích điện. Từ đó rên địa bàn xã Tân Lộc hầu như không còn tình trạng dùng kích điện để xiệt cá, đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt. Nguồn lợi cá đồng sinh sôi khá phong phú và đang có tín hiệu phục hồi, phát triển tốt.
Theo Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau: người dân đã tự nguyện giao nộp trên 1.800 bộ xung, kích điện. Ngoài ra, các lực lượng chức năng địa phương đã xử phạt trên 500 vụ dùng xung kích điện để khai thác nguồn lợi thủy sản trái phép.
Tỉnh sẽ tiếp tục “ra quân” cho đến khi nào chấm dứt hoàn toàn việc dùng xung kích điện để khai thác nguồn lợi thủy sản trên địa bàn!
Hoá ra, không cần đao to búa lớn, chỉ cần một tấm lòng biết thương yêu thiên nhiên, biết bảo vệ chính cuộc sống bình yên và phát triển bền vững của mình trước nạn hủy diệt “thế giới của Vua Thủy Tề”; rồi hành động giản dị, thật thà là xong. Hy vọng, với những điểm sáng như trên, và với nỗ lực không mệt mỏi của lực lượng liên ngành ở các điểm nóng đau lòng khác: câu chuyện kiếm tôm cua cá theo hình thức kích cá siết điện hủy diệt kia… sẽ đi đến một kết thúc có hậu.