Trước khi nói chuyện về các loài thủy sinh, “binh tướng và con cháu của Vua Thủy Tề” bị tận diệt, ta hãy nhìn lại việc tràn lan các vụ chết chóc, chém giết lẫn nhau, tấn công lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản… quanh cái kích điện tai quái gần đây.
Không làm nghiêm người chết sẽ còn nhiều!
Nếu không có việc “nghiêm lệnh cấm” một cách thực chất, như đo nồng độ cồn của người lái xe và mức phạt… lên tới vài chục triệu đồng cho  một vi phạm trầm trọng. Nếu không cấm quyết liệt như cấm pháo, như bằng mọi giá yêu cầu đội mũ bảo hiểm khi lái xe má thì dĩ nhiên kích điện hủy diệt môi trường sống vẫn sẽ còn mãi hành hoành và trái đắng của thực tế này sẽ khiến cả cộng đồng đều phải “nuốt”. 
Vì dường như bất kỳ ai cũng có thể sở hữu một ắc quy, một bộ kích, thêm cái vợt hai chục nghìn đồng và chặt thêm đoạn sào tre làm cán giăng mắc dây điện. Thế là đi kích cá kiếm ăn được ở bất cứ ao hồ, sông suối, kênh mương nào ở kế bên nhà mình, đi xa tí nữa thì có các con hồ mênh mông: Hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh (ở Hà Nội), hồ Thác Bà, hồ Thủy điện Tuyên Quang, hồ Núi Cốc ở Thái Nguyên…
Khi người dân nhìn đâu cũng thấy người đeo ắc quy đi kích cá, thì dĩ nhiên họ coi đó là việc “mạnh ai nấy làm”, ông A làm được thì ông B tội gì chả làm. Và như một vòng luẩn quẩn, tất cả đều góp phần vào sự “nhờn luật” tai hại.
Trên hồ Thác Bà (tỉnh Yên Bái), không ít người đã thiệt mạng vì sử dụng kích cá trái phép. Cái nhìn rộng hơn trên toàn tỉnh này: tại thôn Cầu Thia, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn mới đây đã xảy ra vụ việc đau lòng, mà nguyên nhân là do dùng kích điện đi bắt giết cá ở cách nơi mình sinh sống vài chục cây số. Nạn nhân là Trần Văn Hưng, sinh năm 1977. 
Xác anh Hưng được tìm thấy dưới dòng suối Ngòi Thìu, ở xã Trung Tâm, huyện Lục Yên (Lục Yên là một trong hai huyện có hồ Thác Bà “trùm” lên). Bên cạnh thi thể nạn nhân là một bộ kích cá khá hiện đại. Vụ nữa, cùng ở trong chính khu vực này, nạn nhân là anh Bàn Văn Công, sinh năm 1980, trú tại thôn Khe Lạnh, xã Trung Tâm bị điện giật tử vong khi đi kích cá kiếm ăn qua ngày. Thi thể anh, khi người dân phát hiện và báo công an, vẫn nằm cạnh một cái kích điện bắt cá.
Ở mạng xã hội, với các nhóm công khai, nhóm riêng tư, từ vài nghìn đến vài chục nghìn thành viên thường xuyên trao đổi, mua bán kích cá cũng như hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm… tận diệt thủy sản. Thử vào vai người cần hướng dẫn mua sắm một bộ kích điện kiếm ăn. 
Ông M.H, một “trùm sản xuất kích cá” ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, trùm khác có tên C. Đ ở tỉnh Hưng Yên đều hào hứng “hỗ trợ” chúng tôi. Họ đều đồng ý đón khách tại nhà, giới thiệu cả công nghệ kích lạnh, có thể giết các loài thủy hải sản ở tít dưới 15m nước sâu. Có cỗ “máy” hành hoành tận 30m sâu “thủy giới” của những con hồ vào loại lớn nhất Việt Nam, để săn cá “siêu to khổng lồ”. 
Họ sẵn sàng cho khách được “trải nghiệm”, xem kĩ hàng trước khi mua, bằng cách: chủ cùng khách giong thuyền ra hồ nước gần nhà người bán và thử nghiệm rành mạch. Không giết tôm cua cá một cách thần thánh trong tích tắc, ở cả đáy bùn và ở xa tít tắp, người bán sẽ không lấy tiền. Công nghệ “phá sơn lâm, đâm hà bá” nguy hiểm và gây nhiều công đoạn trong xã hội thế này được phổ biến, bán công khai trên nhiều hội nhóm mở, công khai trên mạng internet, không hiểu sao cơ quan chức năng không biết và ngăn chặn hiệu quả nhỉ?
Hệ sinh thái dưới nước ở một vùng hồ huyền thoại bị phá hủy trầm trọng. Thêm nữa là sự nguy hiểm tính mạng con người, sự chà đạp luật pháp khi kích cá tung hoành và gây hại, trong khi luật, quy định đều đã có chế tài xử phạt nghiêm minh.
Ở khu vực hồ Đồng Mô, Hà Nội (nơi được bảo vệ nghiêm ngặt với các cụ rùa khổng lồ cùng dòng giống với rùa thiêng hồ Hoàn Kiếm) có vụ một bảo vệ ở hồ chém chết một người đi bắt trộm cá bằng kích điện. “Ngư dân” mất mạng, bảo vệ đi ở tù. 
Tương tự, tháng 7/ 2021, anh N.V.V, sinh năm 1979, người thôn Châu Sơn 1, xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cùng 3 người khác rủ nhau ra khu vực ao nuôi cá ở thôn Châu Sơn 1 để kích cá. Trong khi ba người này dùng bình ắc quy, kích nguồn điện lên, dẫn ra dây điện ở cái vợt lớn để giết cá, thì 4 người trông ao xông tới truy đuổi. Cả nhóm kích cá ù té chạy, anh V bị một người trong nhóm bảo vệ ao cá chém trọng thương. Anh chết trên đường đưa đi cấp cứu.
Người kích cá chết khi hai vai vẫn đeo bộ dụng cụ kích điện
Rất nhiều trường hợp là người đi đánh cá điện tự… giết chết mình. Vì nguồn điện mạnh, lại dí vào môi trường nước có thể dẫn điện, nên khi đi kích cá, chỉ một sơ xuất nhỏ, cũng có thể khiến một hoặc vài người tham gia tận diệt các loài thủy hải sản cũng… bị nguồn điện do chính họ phát ra giết chết! 
Giữa tháng 5 năm 2024, tại xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, anh N.V.G (SN 2000, người địa phương) cùng gia đình đi bắt cá ở khu vực sông Ba trên địa bàn đã bị chính dòng điện do mình “bấm nút” phát ra để bắt cá… giật chết. 
Sáng 6/6/2024, UBND xã Cao Dương, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đã bàn giao thi thể anh H.C.H. (SN 1987, trú huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho gia đình đưa về quê an táng. Anh này được phát hiện tử vong vì chính chiếc kích điện mình sử dụng để bắt cá, xác anh nằm cách chiếc thuyền dùng đi kích điện bắt cá khoảng 10m.
Ngày 10/ 3/ 2023, anh Nguyễn Minh Ch. (SN 1992) và anh Nguyễn Văn Ch. (SN 2000), cùng trú tại thôn Phượng Đoài, xã Trường Trung, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá cùng bị chết giữa một cánh đồng ngập nước. Theo thông tin ban đầu, hai người cùng đi đánh cá bằng kích điện và bị điện giật chết vào ban đêm. Sáng ra, người dân mới tình cờ phát hiện 2 thi thể và báo với công an.
Tháng 4/2022, tại xã Cuôr Đăng, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk, đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm khi anh Y.S.M. (36 tuổi, người cùng xã) dùng kích điện đi bắt cá tại hồ Ea Nhái gần nhà thì bị điện của kích cá giật tử vong. Cũng ở Tây Nguyên, cách đó khoảng 1 năm, có một vụ chấn động giới kích cá cả nước (với nhiều hội nhóm hàng vạn thành viên): 3 người trong gia đình tử vong khi “xiết điện” ở khu vực suối Cam Ly, giáp ranh giữa P.5 và P.7 (TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). 
Ba nạn nhân gồm ông Huỳnh Văn Phúc (46 tuổi) và con trai ông Phúc tên Huỳnh Trần Minh Trí (18 tuổi) cùng ông Huỳnh Thái Tân (38 tuổi, em ông Phúc) dùng điện kích cá dưới suối, không may bị điện giật tử vong.
Ở Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, có vụ kích cá chết người mà nạn nhân sống sót trở về kể lại khoảnh khắc kinh hoàng. Anh Nguyễn Văn Nội (33 tuổi) cùng chú ruột của mình là ông Nguyễn Văn Cường (56 tuổi) và con trai ông Cường là anh Nguyễn Ngọc Kỹ (30 tuổi), rủ nhau mang bình ắc quy và kích điện đến địa bàn huyện Cẩm Xuyên (cùng tỉnh Hà Tĩnh) cách nơi cư trú khoảng 70km để rà bắt cá đem bán kiếm tiền. Đang kích nguồn điện lên tới cả nghìn vôn, thì anh Nội bị ngã xuống dòng nước nhiễm điện 220V và tử vong trong tột cùng đau đớn. Anh chết dưới lòng suối.
Trong khi tìm hiểu về các vụ chết thảm do đi làm nghề kích cá, hủy diệt các loài thủy sinh và cả hệ sinh thái dưới nước, chúng tôi cực kỳ bị ám ảnh bởi trường hợp của anh Trần Văn Huệ (SN 1985 trú xóm Minh Châu, xã Văn Thành, huyện Đô Thành, tỉnh Nghệ An). 
Như thường lệ, trời mờ sáng, vợ anh Huệ ra bờ sông Dinh gần nhà để lấy cá chồng dùng kích điện bắt, giết được nhằm đem ra chợ bán. Đến nơi, cá không thấy đâu, chỉ thấy anh Huệ nằm chết bên bờ sông, trong tư thế: trên vai còn mang bình ắc quy, tay vẫn đè lên chiếc vợt có dây điện. Nguồn điện anh phát ra, không giết được cá và các loài thủy sinh, mà thay vào đó, anh Huệ đã… chết. Được biết, trên địa bàn, tình trạng dùng kích điện bắt giết cá rất phổ biến, dù các vụ tai nạn đau lòng như anh Huệ vướng phải không hề ít.
“Cảm hoá” những thợ “kích cá” cứng đầu nhất
Cơ quan chức năng đứng ở đâu trong bi kịch này? Dù thế nào thì cuộc mưu sinh tăm tối và ích kỷ bằng kích điện tàn sát môi trường vẫn đáng trách. Không biết các nạn nhân đáng giận hay đáng thương nhiều hơn? Nhưng, cơ quan quản lý vấn đề này, thì chắc chắn rằng rất đáng trách.
Quả thật, cơ quan chức năng có ra quân và có xử phạt, nhưng bản thân họ cũng hiểu là tất cả chỉ như “muỗi đốt i-nốc”. Năm 2024, công an tỉnh Hoà Bình bắt 4 đối tượng và thu tới 4 thuyền gắn máy với 4 bộ kích cá trên hồ Thủy điện Hoà Bình, gồm: Nguyễn Văn Ngọc (SN 1980), Nguyễn Xuân Đạt (SN 1984) cùng trú tại TP Hòa Bình; Xa Văn Tú (SN 1993), Bùi Văn Bứng (SN 1984), Xa Văn Nhất (SN 1983) cùng trú xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, cùng tỉnh. 
Tại Thừa Thiên Huế, chỉ trong 1 năm, Đội Cảnh sát giao thông – trật tự Công an TP. Huế đã phát hiện, xử phạt 12 đối tượng sử dụng xung điện đánh bắt thủy hải sản, lập biên bản xử phạt số tiền 65 triệu đồng. Tiêu biểu là trường hợp ông Nguyễn Văn Trai (trú tại thôn La Ỷ, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang), ông này bị bắt quả tang đang dùng xung điện đánh bắt cá tận diệt ở cầu bán Nguyệt, bị phạt hành chính 17,5 triệu đồng.
Ngoài một số “điểm sáng” như trên, ở hầu hết các địa phương, cả năm hoặc vài năm mới “may lắm” có một cuộc ra quân như vậy. Thế nên, vấn đề là trên đường đi tham gia các vụ trên, chúng tôi vẫn gặp vô số các đối tượng đeo kích điện dí xuống sông Hồng (sông Mẹ của nền văn minh nước ta), dí xuống từng vũng nước mà nếu anh ta bỏ cái thùng kích ra, cầm gáo tát vài lần là cạn trơ đáy để bắt cá. Vài mương nước đen kịt hôi hám, sâu tới đầu gối và bé bằng cái mâm ăn cơm, cũng bị dí vợt hạ sát mọi loài thủy sản, để một con cá bằng ngón tay phềnh lên, “trôi” vào cái vợt tròn có nguồn điện đáng sợ.
Ở VQG Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp, những năm qua, nhiều kiểm lâm khi làm nhiệm vụ bảo vệ các loài thủy sản trên địa phận Vườn, đã bị những kẻ kích cá trộm, chống trả quyết liệt, gây thương tích nặng nề. Anh X, hiện đang ở Trạm Phú Thọ, anh Tr, quản lý khu vực Vùng lõi của Vườn đều là người trực tiếp chứng kiến nhiều vụ việc dùng kích điện, phóng nguồn điện cực mạnh chống trả lực lượng làm nhiệm vụ. 
Bản thân anh X bị “sát thủ cá” (chúng thường đi rất đông) cầm kích điện dí thẳng vào người, nguồn điện lớn đã gây bỏng nặng, khiến anh phải đi viện, tay bị cháy xém. Một anh bị điện giật đau đớn, co giật. Sau nhiều tháng nằm bệnh viện ở TP HCM, anh trở về với cơ thể yếu ớt, vài năm sau thì anh… không qua khỏi.
Một kiểm lâm vài chục năm kinh nghiệm ở VQG Tràm Chim thở dài: “Họ đem điện đi “dí” trộm cá ở Vườn Quốc gia, giờ bắt được họ thì phạt 3 triệu đồng một lần vi phạm. Số tiền đó, họ chỉ cần đi kích cá vài bữa là… bù lại được, vì họ “dí điện” một cái là trong khu vực vài mét vuông, cá, tôm, cua, rắn, lươn, chạch dưới bùn cũng bị điện giật “nhao” lên hết cả. Họ nghèo lắm, lúc xử phạt, không có tiền, họ phải đi mượn tiền của những “chủ” thu mua cá thường xuyên của họ để nộp. Rồi lại vác kích điện đi giết thủy sản… để trả nợ”.
Cuối tháng 10/2024, trong cuộc làm việc với chúng tôi tại Đồng Tháp, ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông nhấn mạnh: “Chúng tôi bằng mọi giá ngăn chặn tình trạng dùng kích điện hủy diệt hệ sinh thái dưới nước, tuyên truyền trên loa xã, đài huyện. Xuống gặp dân vận động. Huyện thậm chí còn yêu cầu ngân hàng giải ngân nhiều tỷ đồng để hỗ trợ các nông hộ nghèo và có tiền sử dùng kích điện, dùng thuốc độc bắt tôm cua cá mưu sinh”.
Một tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên đã điều tra, lên bản “danh sách đen” rồi tiếp cận, hỗ trợ nhiều “thợ kích cá” “cứng đầu” lâu năm chuyển đổi nghề nghiệp, để họ cam kết không dùng nguồn điện chết chóc đi “dí” xuống nước và tấn công dã man các cán bộ bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước nữa. Mỗi hộ được hỗ trợ 50 triệu đồng. Sau khi được nhận hỗ trợ, nếu ai còn vi phạm thì sẽ bị xử lý cực kỳ nghiêm khắc.
Sưu tầm, nguồn: https://danviet.vn.

TIN KHÁC