Kích cá bằng điện, lưới mắt nhỏ, đánh bắt tận diệt nguồn lợi thủy hải sản đang diễn ra nhiều nơi ở nước ta, “sát thủ” môi trường này bán công khai trên mạng xã hội. Chúng ta có đủ quy định, luật pháp để xử lý các đối tượng này, vì sao nhiều cuộc “ra quân” vẫn chưa hiệu quả?
LTS: Ở nước ta, “hệ sinh thái dưới nước” với đủ ao, hồ, kênh rạch, sông biển… hiện nay, trong tâm thức dân gian Việt Nam và một số quốc gia khác, nó là thủy giới do vua Thủy Tề (Long Vương) cai quản. Ông có binh hùng tướng mạnh, có quân sư giỏi giang, với đủ tôm, cua, cá và vô số loài thủy hải sản mà chúng ta nhìn thấy bằng mắt thường được.
Nếu chia quả đất này thành hệ sinh thái trên cạn và hệ sinh thái dưới nước, thì “Vua Thủy Tề” cai quản tới ba phần tư hành tinh của chúng ta. Vậy mà, rất nhiều nơi, chúng ta vẫn thừa nhận việc mặc nhiên “ra ngõ gặp người đeo ắc quy – kích điện”, cầm vợt dài gắn dây dẫn điện để đánh bắt thủy hải sản theo phương pháp thảm sát, tận diệt.
Nguồn điện cực mạnh giết chết người khác và giết chết chính những kẻ đi bắt cá kiểu hủy diệt. Lại thêm vó lưới mắt nhỏ kết hợp với ánh sáng đèn. Rồi trăm nghìn thứ sáng tạo độc ác với môi trường trong thời buổi công nghệ 4.0 khác nữa. Họ bắt vài con cá, vơ đầy túi tham của họ, trong khi họ thảm sát cả ấu trùng, trứng, noãn rồi cả thế giới thủy cung cực kỳ phong phú của nhân loại.
Từ thông tin của chúng tôi, các kiến nghị đã được đặt lên bàn lực lượng hữu trách: Lực lượng chức năng trắng đêm đi ngăn chặn, truy bắt sai phạm kể trên nó ly kỳ, cam khó và “đá ném ao bèo” như thế nào? Chùm phóng sự dưới đây của chúng tôi sẽ phần nào lý giải câu chuyện trên và kiến nghị tìm lối ra bền vững cho vấn đề, trước khi tất cả trở nên thêm khó khăn hoặc hết cơ hội cứu vãn.
Tại sao các hành vi kích cá bằng điện, dùng lưới mắt nhỏ, đánh bắt tận diệt nguồn lợi thủy hải sản đó lại tràn lan? Chúng ta có đủ quy định, luật pháp để xử lý các đối tượng này, vì sao nhiều cuộc “ra quân” vẫn chưa hiệu quả? Công nghệ sản xuất “sát thủ” môi trường này tràn lan, bán công khai nườm nượp trên mạng xã hội ra sao? Nhóm PV Dân Việt đã vào cuộc tìm hiểu.
Cả một cái chợ bán các loại cá bị bắt, giết vì điện giật
Hồ Thác Bà, trải rộng trên hai huyện Yên Bình và Lục Yên của tỉnh Yên Bái, đầu nọ tới đầu kia của hồ dài tận… 80km; diện tích mặt nước rộng tới hơn 19.000ha; chứa 3,9 tỷ mét khối nước. Mực nước dao động từ 46 tới 58m. Với hơn 1,3 nghìn hòn đảo lớn nhỏ.
Chim trời cá nước, bao năm qua, họ cứ nghĩ: mạnh ai nấy bắt, miệng ai nấy ăn, tiền ai người đó bỏ túi. Đã có thời kỳ họ gần như tung hoành, công khai một cách “bất thành văn” là mua kíp mìn, thuốc nổ về giết cá hàng loạt trên hồ.
Dấu tích cho việc này là nhiều khu dân cư bây giờ đã quen với hình ảnh nhiều người cụt tay cụt chân do nổ mìn đánh bắt cá. Và kích điện (dùng ắc quy khô công suất lớn, với củ kích – chuyển đổi dòng điện 1 chiều 12V thành dòng điện xoay chiều 220V và hơn nữa – nối với dây dẫn để dí điện giết cá trong làn nước) được đặt trên tàu thuyền, chạy như bươm bướm cả lúc ban ngày lẫn lúc “lập lòe ánh lửa ma trơi” trong đêm.
Từ khi có lệnh cấm hoặc thời điểm lệnh cấm gắt gao, việc nổ mìn trên hồ Thác Bà không còn nữa. Nhưng các hình thức dùng điện để “xiệc”, giết cả trứng cá, cả ấu trùng, tất cả các loài thủy sinh vẫn tồn tại khá phổ biến. “Ban ngày dễ bị phát hiện, nên họ chủ yếu đi đêm. Có lúc, tôi nhìn thấy dàn thuyền đi kích cá thắp đèn sáng như sao sa trên mặt hồ”, một người dân ở thị trấn Yên Bình tiết lộ.
Hình thức bắt cá bằng vó lưới mắt nhỏ kết hợp ánh sáng đèn cũng có sức hủy diệt không kém. Những chiếc vó chìm dưới đáy hồ to bằng hàng chục … gian nhà cộng lại, họ thắp điện sáng để dụ cá, đóng cọc lớn bốn bề, cách đó hàng trăm mét là hệ thống tời (ròng rọc) với dây chão lớn để cất hệ thống lưới (vó) giăng thiên la địa võng lên khỏi mặt nước.
Vô số cá lớn bé nằm phơi mình đành đạch. Mắt lưới bé đến mức hạt đỗ xanh cũng chả lọt ra ngoài được. Với cách đánh bắt tận diệt này, thì cá sơ sinh cũng chẳng thoát nổi.
Còn với kích điện, họ dí đến đâu, kể cả lươn trạch dưới mấy chục mét nước sâu, dưới lớp bùn lạnh đáy hồ, cũng giãy giụa phơi mình lên mặt nước. Lúc đó, nếu con vật còn giãy tìm đường lẩn trốn, thì cái vợt bắt cá có dây dẫn sẽ “xả” nguồn điện xuống tiếp. Lập tức, họ “vô hiệu hoá” bất cứ “binh sỹ của Vua Thủy Tề” nào!
Những buổi chiều, đoàn tàu nổ máy phành phạch, xé nước lao đi. Họ đi dọc 40km, thậm chí 70km đường nước của hồ Thác Bà. Đi từ lúc trời còn nhá nhem tối, đến gần sáng mới trở về.
Họ mang theo bình ắc quy “siêu khủng”, bộ kích điện lớn, dây cáp dẫn điện (để bủa vây nguồn điện rộng ra hàng chục mét tính từ chỗ người điều khiển), vợt bắt cá, đèn soi sáng. Và thứ không thể thiếu là những chiếc điện thoại để… báo động cho nhau khi ở đâu đó có sự ra quân hay mật phục của cơ quan quản lý.
Ông H. người có thâm niên kích cá trên hồ Thác Bà tiết lộ: “Tầm tháng 5 dương lịch cá vật đẻ rất nhiều. Đó là mùa của sự trúng mánh, có đêm họ bắt vài tạ, các “mẹ cá” bụng to kềnh, trong đó nửa trọng lượng cơ thể cá là… trứng. Cá vật đẻ thì vào gần bờ, nên dễ bắt và cá đó cũng được người tiêu dùng tìm mua”.
Chúng tôi đến các chợ cá ven hồ, lúc khoảng 3 giờ sáng đổ đi, thuyền máy mang theo kích điện bắt đầu lác đác trở về. Các bà buôn cá tranh giành, cãi cọ huyên náo. Ngoài vài con cá dính lưới, gần như chợ này bán cá bị bắt bởi kích điện! Ắc quy kích cá giờ rất hiện đại, to, lại có thùng tôn, vỏ gỗ kín mít, có tay nắm tiện nghi, có chốt khoá, trị giá hàng chục triệu đồng.
Kích điện công suất mấy nghìn vôn, cá ở đáy sâu cả chục mét cũng chết
Cả những người đang sờ tay vào hệ thống ắc quy, dây dẫn, củ kích (làm nguồn điện có sức mạnh tăng vọt), cả những người mấy chục năm lăn lộn với “nghề” thảm sát thủy giới này, đều kể rất rõ ràng về kỹ năng bắt giết các loài thủy sản bằng kích điện.
Ông B, một ngư dân lão luyện, từng đi ở tù vì buôn bán bộc phá về kiếm cá và bán cho dân khai thác cá hồ Thác Bà nói: “Họ đi cả đêm, gần sáng mới đem cá về bán ở chợ ngay bến thuyền, sát mép nước này. Bộ kích điện của họ thường “ác chiến” lắm: củ kích bằng bắp đùi, nặng khoảng 20kg. Họ chế từ bộ phận “củ điện” lấy của ô tô cũ với 2 pha lửa. Khi “độ chế” thì họ cuốn thêm pha nữa là 3 pha lửa. Lúc “kích” lên thì tới… mấy nghìn vôn. Kích ba pha này dã man lắm. Cá ở xa khoảng 10m đều chết hết. Cá càng to càng dễ chết”.
Với hệ thống dây cáp dẫn điện cuồn cuộn, kích “đời mới” có thể giật điện và bắt được cả cá dưới độ sâu hơn 30m nước. “Họ dùng điện và sóng âm dò cá chiên, cá quất dưới đáy hồ thủy điện, cá lồng bè cách đó 100m cũng ào ào nhảy lên vì bị sốc điện”, một chủ lồng bè trên hồ thủy điện bức xúc.
Vừa lái thuyền, ông B, vừa khoe thêm: “Tôi từng đi ở tù vì buôn thuốc nổ”. Ông và một trùm sông nước vùng hồ Thác Bà cùng nói về nghệ thuật đánh mìn: “Rấp ít cây, làm cái chỗ trú ẩn cho cá. Đặc biệt là cá quả, chúng vào đó có khi cả trăm con, chúng ăn các loài cá bé vào “trú nắng”. Có khi họ đem thức ăn, củ sắn, củ khoai, ít lương thực lên men bốc mùi bỏ dưới đáy hồ tĩnh lặng. Làm mồi nhử, cá vào ăn là “ùng” một cái, không con nào thoát”.
Nhìn đoàn thuyền có gắn máy nổ chạy đinh tai nhức óc lên phía thượng du sông Chảy (nay đã thành hồ Thác Bà), ông B, nói thêm: “Làm nghề kích cá này. Ở đây tôi không lạ chỗ nào hết. Bây giờ chạy lên thuyền máy tận huyện Lục Yên, qua các xã Mông Sơn, Xuân Long… Tới vùng đầu nguồn mới nhiều cá, đi với tốc độ hết công suất của thuyền máy này: tầm hai tiếng là tới nơi. Máy của họ xé nước, tàu của cơ quan chức năng không đuổi nổi đâu”.
Ông B, tiết lộ thêm, có vụ, họ dùng thuyền “quây” và húc chìm cả thuyền máy của cán bộ đi kiểm tra xử lý đánh bắt thủy sản trái phép. “Chúng tôi bị phạt 2 triệu đồng vì cái tội ấy. Nói chung họ cũng nhẵn mặt tôi rồi, họ cũng chừa tôi ra”.
Về chủ đề này, ông Lã Tuấn Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình, xác nhận: “Khoảng chục năm trước, có vụ, đoàn liên ngành đi xử lý các đối tượng kích cá. Khi thu ắc quy điện, các đối tượng đã vây quanh phản đối, đe dọa. Một cán bộ trong đoàn hô to trấn áp, ai tiến lên, sẽ bắn… !
Có vụ, các đối tượng vứt bỏ vợt có dây điện bắt cá, ném bỏ cả bình ắc quy xuống hồ để phi tang. Cán bộ phải lặn xuống, mang tang vật lên, rồi lập biên bản, xử lý kiên quyết. Nhưng chỉ một thời gian sau, đâu lại… tái diễn đó.
Quả thế, do nhiều nguyên nhân, chúng tôi vẫn chứng kiến nhiều thuyền bè đem theo kích điện “tung hoành” trên hồ Thác Bà. Rạng sáng hằng ngày, đặc biệt trong mùa nước to, cá vật đẻ, họ đem “tôm cá đầy khoang” về. Lái buôn đến tận mép nước mua hàng, từ khi trời chưa sáng, tiếng huyên náo, ánh đèn pin lấp loáng tưng bừng.
Xuống khoang thuyền là gặp ắc quy đắt tiền, to đùng, đóng trong hộp “sang trọng” và tiện nghi. Ắc quy khiêng lên xe máy chở về nhà cất. Vợt bắt cá, loằng ngoằng xanh đỏ dây điện thì họ gác cả lên các cây bạch đàn trên bến. Cái vợt và vài sợi dây dẫn đó hầu như không lo mất trộm, vì giá rất rất rẻ.
Chúng tôi chứng kiến cả ba ba, lươn, chạch, rắn nước, tóm lại các loài thủy sinh dưới nước, dưới bùn, cũng bị “bềnh” lên vì điện giật hết. Những con ba ba vàng óng, đường kính mai bằng gang tay người lớn (20cm). Những con lươn to gần bằng cổ tay. Những chú cá chép vàng óng nặng vài cân, bị điện giật lăn quay, nổi bềnh, bị cái vợt dẫn điện giật cho một cái nữa trước khi đem lên bờ. Tất cả “trình diện”, phơi xác ngoài phiên chợ bến sông, rồi toả đi khắp TP Yên Bái, đi về Hà Nội.
Nhưng, ít ai biết, “đặc sản” kia ra đời trong thế giới ngầm của những nhóm người chuyên nghề, trắng đêm đi hủy diệt các loài thủy hải sản ấy. Họ đã bất chấp mọi quy định đạo đức và luật pháp về bảo vệ hệ sinh thái, tài nguyên, môi trường sống – “tấm áo giáp” của tất cả chúng ta.