Cao điểm thực hiện kiểm soát an toàn vệ sinh thực trên cả nước
- 29/04/2019
- 0
Để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Trung ương (BCĐTƯATTP) vừa ban hành Kế hoạch số 210/KH-BCĐTƯATTP ngày 4/3/2019 triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019. Chủ đề của tháng hành động năm nay là “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Theo đó, mục tiêu đặt ra là tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, các địa phương có đường biên giới, cửa khẩu. Nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
Ngoài các hoạt động thường xuyên bảo đảm chất lượng, ATTP, “Tháng hành động” năm 2019 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn.
Để kiểm soát chặt vấn đề về ATTP, hàng năm (BCĐTƯATTP) đã thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành để tiến hành kiểm tra việc đảm bảo ATTP trên địa bàn các tỉnh trọng điểm, công tác hậu kiểm sẽ ngăn chặn được cơ bản tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn; phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Đồng thời, thông qua công tác hậu kiểm, các địa phương tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật về ATTP, trách nhiệm của cơ sở/người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong bảo đảm ATTP; phổ biến, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
Theo báo cáo của (BCĐTƯATTP), năm 2018, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 14.264 vụ, xử lý 8.446 vụ việc vi phạm về ATTP, xử phạt vi phạm hành chính hơn 19,5 tỷ đồng, số tang vật thu giữ có trị giá hơn 25,9 tỷ đồng. Lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 6.176 vụ vi phạm pháp luật về ATTP, với 5.042 cá nhân, 809 tổ chức vi phạm. Trong đó, các cơ quan chức năng đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 11 vụ 15 bị can về tội “Vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm” và một số tội danh khác có liên quan đến ATTP: “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” theo Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017); xử phạt vi phạm hành chính 5.627 vụ, 4.924 cá nhân, 749 tổ chức, với số tiền xử phạt gần 30 tỷ đồng; đang điều tra, xử lý 184 vụ; buộc tiêu hủy nhiều hàng hóa thực phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người.
Hiện nay, các địa phương đã tích cực phát động và tuyên truyền đợt cao điểm tháng ATTP đến từng người dân trên địa bàn.
Tại Hà Nội, là một trong những địa phương có mức tiêu thu hàng hóa lớn của cả nước, đây nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm cung cấp phục vụ cho các người dân, học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp,…đặc biệt trong các dịp lễ Tết nhu cầu về thực phẩm, hàng hóa tăng cao, chính vì vậy, việc kiểm soát chặt chẽ điều kiện đảm bảo về ATTP cần thực hiện chặt chẽ, thường xuyên.
Thực hiện Kế hoạch tháng hành động, Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019. Theo đó, sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, đồng thời giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh, chuỗi thực phẩm an toàn đến người dân. Trong Tháng hành động vì ATTP, tại các cấp từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Riêng cấp thành phố đã thành lập 4 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm để kiểm tra công tác triển khai kế hoạch của các cấp dưới, đồng thời kiểm tra thực tế tại cơ sở để kịp thời chấn chỉnh sai phạm.
Từ ngày 10/7/2019 đến 10/7/2020, thành phố Hà Nội sẽ triển khai mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Tính đến thời điểm này, toàn thành phố đã đào tạo được khoảng gần 2.500 cán bộ thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 98 xã, phường thiếu nhân lực để đưa đi đào tạo. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục chú trọng tới công tác đào tạo nhân lực thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.
Tại Quảng Trị, cùng với các địa phương trên cả nước, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh (ATTP) tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lễ phát động tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019, với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, mục tiêu của việc thực hiện Tháng hành động vì ATTP là kiên quyết chặn đứng việc vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc. Và không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể và tình trạng ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng phải được giảm thiểu
Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ (ATTP) tỉnh Quảng Trị sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát, tuyên truyền về ATTP cho 100% các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh; trên 80% chủ các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể đông người ký cam kết chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm ATTP.
Tại Đắk Lắk, Ban Chỉ đạo (BCĐ) liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2019. Hội nghị đã thông qua Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2019, theo đó, sẽ tập trung chủ yếu vào các nội dung như: Tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về An toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các huyện, thị xã, thành phố trọng điểm. Nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn.
Theo kế hoạch, tỉnh sẽ thành lập 04 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành triển khai thanh tra tại 15 huyện/thị xã/thành phố từ ngày 22-26/4/2019 để thanh tra, kiểm tra về công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019 và thanh tra tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Nguồn: tongcucthuysan.gov.vn