Kỳ họp Chuyên đề lần thứ 11, HĐND tỉnh khóa X nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã thông qua Nghị quyết về việc thông qua Hồ sơ trình phê duyệt và các nội dung chủ yếu của Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, xác định định hướng chiến lược phát triển, cũng như thể hiện tầm nhìn dài hạn, khát vọng vươn lên nhằm nâng vị thế phát triển của tỉnh, với quy mô kinh tế nằm trong nhóm 25 tỉnh đứng đầu cả nước.
Định hình rõ nét diện mạo tương lai
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Xuân Hà, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk, gần 3 năm qua các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã tích cực, nghiêm túc, đầu tư nhiều thời gian, công sức để xây dựng dự thảo Quy hoạch tỉnh đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khoa học, đa chiều, đa lĩnh vực, với những mục tiêu cao hơn, toàn diện, có tính bao quát hơn.
Quy hoạch đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân đạt mức trung bình khá của cả nước, trên cơ sở: phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; bản sắc văn hóa các dân tộc. Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. TP. Buôn Ma Thuột là một cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì tốc độ đầu tư tích lũy cao cho nền kinh tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, tăng tính bền vững trong phát triển; đổi mới mạnh mẽ khoa học và công nghệ (KHCN), nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm quốc phòng – an ninh.
Quy hoạch cũng đề ra các mục tiêu cụ thể, trong đó tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm là 11%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đến năm 2025 đạt 81,2 triệu đồng, đến năm 2030 đạt 131 triệu đồng; tốc độ tăng bình quân thu ngân sách đạt 8-9%/năm giai đoạn 2021 – 2025 và 12-14%/năm giai đoạn 2026 – 2030; tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 45% GRDP giai đoạn 2021 – 2025 và 41% GRDP giai đoạn 2026 – 2030; giảm tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh 1,5%-2%/năm…
Với tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Lắk trở thành tỉnh có “Không gian sinh thái – Bản sắc – Kết nối sáng tạo”. Đắk Lắk là điểm đến yêu thích, đáng sống, an ninh – an toàn; có nền kinh tế điển hình theo mô hình tăng trưởng xanh – tuần hoàn, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển thịnh vượng của cả nước. Vị thế phát triển của tỉnh trong cả nước được nâng lên rõ rệt, quy mô kinh tế vươn lên đứng trong nhóm 25 tỉnh đứng đầu cả nước. Người dân Đắk Lắk “Văn minh – Thân thiện – Hội nhập”. Tỉnh Đắk Lắk định hình rõ nét các chức năng ở nhiều cấp độ quốc tế, quốc gia, vùng Tây Nguyên; tập trung phát triển xứng tầm trên một số chức năng riêng có của tỉnh như: Thành phố cà phê thế giới, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng KHCN nông nghiệp quốc tế, Trung tâm Văn hóa vùng Tây Nguyên, Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, Trung tâm Đô thị vùng Tây Nguyên…
Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển
Để thực hiện mục tiêu, Quy hoạch vạch rõ những định hướng lớn, với các nhiệm vụ trọng tâm như: sản xuất hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn hướng tới các thị trường trong nước và xuất khẩu; phát triển mạng lưới đô thị, mà trước hết ưu tiên nguồn lực đầu tư, mở rộng địa giới hành chính TP. Buôn Ma Thuột để sớm trở thành trung tâm đô thị vùng Tây Nguyên; xây dựng, nâng cấp thị xã Buôn Hồ trở thành đô thị loại III trong giai đoạn 2021 – 2025; xây dựng và phát triển huyện Ea Kar trở thành thị xã.
Cùng với đó là bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững hài hòa theo hướng tăng trưởng xanh; ưu tiên các ngành sản xuất và các lĩnh vực dịch vụ phù hợp với chiến lược, định hướng phát triển của tỉnh trong tương lai, cũng như xu hướng phát triển trong nước và quốc tế; đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng kết nối theo hướng đồng bộ hiện đại và đa phương thức.
Đồng thời thực hiện các nhóm đột phá về chính sách; liên kết phát triển; ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; tạo đột phá căn bản, toàn diện về phát triển giáo dục – đào tạo và y tế, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại…
Tại kỳ họp, Phó trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Phạm Văn Hanh nhận định: Nội dung Quy hoạch đã cụ thể hóa các quy hoạch cao hơn về không gian các hoạt động KT-XH, hệ thống đô thị và phân bổ dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, phù hợp với tình hình, điều kiện và định hướng phát triển KT-XH của tỉnh.
Tuy nhiên, về các nhiệm vụ trọng tâm cần nghiên cứu chi tiết, cụ thể hơn về sản xuất hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn hướng tới các thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó nêu lên ngành, lĩnh vực là mũi nhọn, đặc thù phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh…
Đánh giá cao Quy hoạch của tỉnh, Bí thư Huyện ủy M’Drắk Ra Lan Von Ga cho rằng: Quy hoạch tỉnh có tầm quan trọng đặc biệt, là định hướng để phát triển tỉnh theo hướng mới, hướng mở để đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội cũng như đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Dựa vào Quy hoạch sẽ hình thành các điểm nhóm liên kết các chuỗi sản xuất, cũng như các chuỗi cung ứng, các chuỗi công nghệ để phát triển dựa vào lợi thế của tỉnh, của từng địa phương…
Trên cơ sở Quy hoạch của tỉnh được phê duyệt, huyện M’Drắk sẽ điều chỉnh quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển, phát huy lợi thế cao nhất hiện có cũng như tương lai của M’Drắk để xây dựng huyện phát triển, xóa đói giảm nghèo và thoát khỏi huyện nghèo trong thời gian sắp tới…
Trọng thể – Sưu tầm, nguồn: baodaklak.vn

TIN KHÁC