Giá trị cao từ cá trắm đen
- 06/03/2023
- 0
Trắm đen là loại cá đặc sản nước ngọt, chất lượng thịt thơm ngon, có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, đem lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi.
Đặc điểm sinh học
Cá trắm đen có thân dài, môi nhọn, không râu, miệng rộng cùng với lỗ mũi cá khá lớn nằm ở gần mắt. Toàn bộ thân cá được phủ một màu đen, riêng lưng cá sẽ có màu đậm hơn, bụng cá có màu trắng sữa. Điều đặc biệt ở đây là chúng có khá nhiều răng nhỏ liên kết với nhau tạo thành một hàm lược. Cá trắm đen thuộc họ cá nước ngọt, thịt dai và độ ngọt nhiều hơn so với cá trắm cỏ. Khi mổ cá, thịt của cá trắng và chắc, xương dăm to nhưng ít. Kích thước trung bình của cá trắm đen tương đối lớn, từ 60 cho đến 120 cm với trọng lượng có thể từ 3 cho đến 10 kg. Phía trên lưng của cá trắm đen có 1 chiếc vây lớn từ 7 đến 9 tia nhưng không quá cứng. Đây là loài cá ưa thích sống ở tầng đáy, ít khi nổi lên mặt nước và ưa thích những khu vực nước tĩnh. Cá trắm đen là loài ăn tạp, chủ yếu ăn động vật phù du, ấu trùng của các loài bọ và côn trùng lúc bé. Khi trưởng thành cá chuyển sang ăn các con giáp xác và côn trùng sinh sống trong nước. Vào những thời điểm khan hiếm nguồn thức ăn tự nhiên thì cá trắm đen có thể ăn luôn cả các loại thực vật lẫn những loại trái cây như: quả sung hay các loại trái cây rụng… Tuy nhiên, cá trắm đen lúc còn nhỏ sở hữu hệ tiêu hóa tương đối yếu nên nguồn thức ăn chủ yếu của chúng là các loại sinh vật phù du, những loại ấu trùng, loăng quăng hoặc những con chuồn chuồn.
Mùa sinh sản của loài cá này rơi vào khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 với một số lượng lớn trứng. Trong khoảng 3 ngày khi trứng được thụ tinh thành công thì sẽ nở thành cá bột. Và 2 đến 3 ngày sau thì cá bột sẽ hình thành cá con và có thể tự đi kiếm ăn. Đàn cá con thường bơi theo cá mẹ thành một đàn có số lượng lớn và bơi với tốc độ tương đối nhanh. Cá trắm đen là loài thủy sản sinh sống có tính địa phương, chủ yếu phân bố tập trung tại Hắc Long Giang, Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam.
Lợi nhuận cao
Cá trắm đen là loại cá có thịt chắc thơm ngon, với hàm lượng dinh dưỡng cao lại tốt cho sức khỏe, có nhiều tác dụng tốt trong y học nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Theo Đông y, cá trắm đen bổ tỳ vị, khí huyết. Thích hợp với các chứng tỳ vị hư hàn, biếng ăn, gầy yếu mệt mỏi, đuối sức. Cá trắm đen là loài cá được nuôi phổ biến ở nhiều nước châu Á và là một trong 4 loại cá nuôi quan trọng ở Trung Quốc. Đây cũng là một trong những lý do chính thúc đẩy sự phát triển và nhân giống rộng rãi của mô hình nuôi cá trắm đen trong lĩnh vực NTTS.
Ở nước ta, trước đây, cá trắm đen thường được nuôi ghép với một số loài cá truyền thống để sử dụng diện tích và nguồn thức ăn tự nhiên trong ao như ốc, rêu. Tuy nhiên, việc thực hiện nuôi thả cá trắm đen theo phương pháp truyền thống cá lớn chậm, dễ gây ô nhiễm môi trường nguồn nước. Từ năm 2008 trở lại, khi xuất hiện một vài mô hình nuôi cá trắm đen thương phẩm, thì phong trào nuôi cá trắm đen ngày càng được phát triển. Đặc biệt, sau khi Viện Nghiên cứu NTTS I công bố quy trình nuôi cá trắm đen thương phẩm thì mô hình nuôi cá trắm đen theo hình thức công nghiệp đã được phổ biến ở nhiều địa phương, mang lại hiệu quả và năng suất cao hơn so với các vụ nuôi trước đây. Hiện, nghề nuôi cá trắm đen chủ yếu phát triển ở các tỉnh phía Bắc như: Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội…
Tại Nam Định, mô hình nuôi cá trắm đen phát triển mạnh, đặc biệt là xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc. Đây được xem là đối tượng nuôi chủ lực của xã, được nuôi hầu hết theo hình thức bán thâm canh, thâm canh năng suất cao. Cá trắm đen Mỹ Hà được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa… Tại đây, Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp triển khai xây dựng mô hình “Liên kết sản xuất tiêu thụ cá trắm đen” của HTX Mỹ Hà xuất bán gần 50 tấn cá các loại, mỗi năm thu lãi 600 – 700 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, nhiều hộ nuôi cũng đã mạnh dạn phát triển mô hình chế biến sản phẩm cá trắm đen. Điển hình như anh Trần Văn Khoa, năm 2021, sản phẩm cá trắm đen của gia đình anh đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận OCOP, gồm 3 sản phẩm: cá nướng hun khói, cá cắt khúc và ruốc cá, có mã vạch truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Giá bán cá trắm tươi trong ao nuôi OCOP nguyên con là 150.000 đồng/kg; cá tươi cắt khúc 250.000 đồng/kg; ruốc cá 100.000 đồng/hộp 90 g; cá nướng hun khói 450.000 đồng/kg.
> Theo hình thức công nghiệp, cá trắm đen nuôi thường được thả với mật độ 0,5 – 0,7 con/m2, với kích cỡ từ 0,5 – 1 kg/con. Cá trắm đen thường chiếm từ 80 – 85% ao nuôi. Thời gian thả khoảng từ đầu tháng 2 – 3. Thu hoạch vào cuối năm, cỡ cá từ 3 – 5 kg/con. Giá thành của cá trắm đen ổn định và tăng đều theo mỗi năm. Theo đó lợi nhuận mà cá trắm đen mang lại rất lớn và có giá thành cao gấp 3 – 4 lần so với các loại cá nuôi nước ngọt khác.
Nguồn: thuysanvietnam.com.vn