Ngày 28 tháng 12 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 16/2020/TT-BNNPTNT quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, áp dụng cho cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cá nhân, tổ chức khác có liên quan đến công tác thống kê ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

  Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là tập hợp các chỉ tiêu thống kê phản ánh tình hình, kết quả hoạt động chủ yếu của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan Nhà nước; được sử dụng làm cơ sở cho việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách phát triển các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đáp ứng nhu cầu trao đổi, hợp tác thông tin với các tổ chức, cá nhân. Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bao gồm: (1) Danh mục chỉ tiêu thống kê ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; (2) Nội dung chỉ tiêu thống kê ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Một số chỉ tiêu chính trong thống kê thủy sản

Diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do dịch bệnh (Mã số 0903): là diện tích mặt nước có nuôi trồng thủy sản mà ở đó thủy sản bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Diện tích nuôi trồng thủy sản (Mã số 1101): là diện tích mặt nước tự nhiên hoặc nhân tạo được sử dụng để nuôi trồng thủy sản trong thời kỳ nhất định, gồm diện tích ao (ao đất, ao đào trên cát..), hồ, vuông, ruộng lúa, ruộng muối, mương vườn, sông cụt, vũng, vịnh, đầm, phá, bãi chiều ven biển… gồm cả hồ, đập thủy lợi được khoanh nuôi, bảo vệ nguồn lợi thủy sản để thu hoạch, diện tích được quây lại ở sông, hồ lớn, ven biển để nuôi trồng thủy sản, kênh dẫn nước vào, ra; các ao lắng, lọc, ương nuôi giống và nuôi cá sấu…

Sản lượng thủy sản nuôi trồng (Mã số 1102): là khối lượng sản phẩm thủy sản thu được từ các hoạt động nuôi, trồng các loại thủy sản trong các vùng mặt nước mặn, lợ, ngọt trong khoảng thời gian nhất định.

Sản lượng giống thủy sản (Mã số 1103): Giống thủy sản là loài động vật thủy sản, rong, tảo dùng để sản xuất giống, làm giống cho nuôi trồng thủy sản, bao gồm bố mẹ, trứng, tinh, phôi, ấu trùng, mảnh cơ thể, bào tử và con giống (khoản 10 Điều 3 Luật Thủy sản năm 2017).

Diện tích nuôi trồng thủy sản được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) và tương đương (Mã số 1104): Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP) là quy phạm thực hành ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm thiểu dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, đảm bảo trách nhiệm xã hội và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

Diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) và tương đương là diện tích mặt nước ngọt, nước lợ và nước mặn được sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản đạt các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và tương đương.

Tiêu chuẩn thực hành nuôi trồng thủy sản tương đương VietGAP như các tiêu chuẩn ASC (do Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản được thành lập bởi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF và Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững Hà Lan IDH xây dựng và ban hành); tiêu chuẩn BAP (thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất do Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu GAA xây dựng và ban hành); tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản hữu cơ…

Số lượng tàu cá có động cơ khai thác thủy sản (Mã số 1105): Tàu cá là phương tiện thủy có lắp động cơ hoặc không lắp động cơ, bao gồm tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản, tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản. Khai thác thủy sản là hoạt động đánh bắt hoặc hoạt động hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản. Tàu cá có động cơ khai thác thủy sản là tàu cá có lắp động cơ hoạt động khai thác thủy sản. Trong phạm vi chỉ tiêu này, chỉ thống kê tàu cá có động cơ hoạt động khai thác thủy sản thuộc diện phải đăng ký theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 (chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên). Chiều dài tàu được phân loại theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017.

Số lượng cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá (Mã số 1106): Cơ sở hậu cần nghề cá là những cơ sở sản xuất, kinh doanh các ngành nghề phục vụ cho khai thác, chế biến, bảo quản, đảm bảo lưu thông phân phối hàng thủy sản (như: cung cấp nhiên liệu, nước đá, vật tư ngư cụ cho tàu thuyền, cảng cá, bến cá, kho bảo quản hàng hóa thủy sản, đóng sửa tàu thuyền, thông tin liên lạc…); khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.

Sản lượng thủy sản khai thác (Mã số 1107): là khối lượng thủy sản đã đánh bắt và thu nhặt được từ nguồn lợi thủy sản sẵn có trong tự nhiên thuộc các vùng biển và vùng nước nội địa trong một thời kỳ nhất định.

Số lượng các vụ khai thác thủy sản bất hợp pháp đã được xử lý (Mã số 1108): Khai thác thủy sản bất hợp pháp là việc khai thác thủy sản vi phạm các quy định về khai thác thủy sản quy định tại Điều 60 Luật Thủy sản năm 2017.

Diện tích các khu vực bảo tồn biển (Mã số 1109): Khu bảo tồn biển là loại hình khu bảo tồn thiên nhiên, được xác lập ranh giới trên biển, đảo, quần đảo, ven biển để bảo vệ đa dạng sinh học biển (khoản 6 Điều 3 Luật Thủy sản năm 2017); Khu bảo tồn biển bao gồm vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài – sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan. Việc phân cấp khu bảo tồn biển thực hiện theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học. Diện tích các khu bảo tồn biển là diện tích của phần biển, đảo, quần đảo, ven biển của các khu bảo tồn biển để bảo vệ đa dạng sinh học biển.

Số lượng nhà máy/cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản (Mã số 1401): Nhà máy/ cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản là nhà máy/ cơ sở có hoạt động sơ chế và chế biến nông, lâm, thủy sản được hạch toán độc lập thuộc các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã… có đăng ký hoạt động kinh doanh theo quy định. Công suất thiết kế (năng lực sản xuất) của nhà máy/ cơ sở là khả năng tối đa mà nhà máy/ cơ sở có thể chế biến một sản lượng nông sản nhất định trong một thời gian xác định.

Sản lượng nông, lâm, thủy sản được chế biến (Mã số 1402): là toàn bộ khối lượng các loại sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, lâm sản và thủy sản được đưa vào quá trình sơ chế và chế biến làm thay đổi trạng thái ban đầu của sản phẩm. Chỉ tính sản lượng nông, lâm, thủy sản để sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu (không bao gồm phần nông sản tự sơ chế và chế biến để tự tiêu dùng).

Số cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản được thẩm định, đánh giá (Mã số 1501): là các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT được thẩm định, đánh giá bởi cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương để chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT (sau đây gọi tắt là Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT).

Số cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản đã được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (còn hiệu lực đến thời điểm báo cáo) là các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT và giấy chứng nhận còn hiệu lực tính đến thời điểm báo cáo.

Số cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản được cấp Giấy chứng nhận hệ thống đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm còn hiệu lực (HACCP, VietGAHP, VietGAP, GMP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000) (Mã số 1502): là các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành nông nghiệp áp dụng và được cơ quan chức năng đánh giá, chứng nhận, cấp một trong các Giấy chứng hệ thống đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm còn hiệu lực sau: HACCP, VietGAHP, VietGAP, GMP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000.

Chi phí sản xuất một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản (Mã số 2201): là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ hao phí về lao động sống, lao động vật hóa và các chi phí bằng tiền khác mà đơn vị sản xuất đã chi ra để tiến hành sản xuất ra một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản đó.

Giá bình quân một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản (Mã số 2202): là biểu hiện bằng tiền của giá trị một sản phẩm nông, lâm, thủy sản; nghĩa là số lượng tiền phải trả cho một đơn vị hàng hóa đó.

Lượng và giá trị xuất khẩu một số mặt hàng nông lâm thủy sản (Mã số 2203): Xuất khẩu mặt hàng nông lâm thủy sản là mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam đưa ra nước ngoài. Giá trị xuất khẩu hàng hóa được tính theo giá FOB hoặc tương đương, là giá của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất (không gồm phí bảo hiểm quốc tế và phí vận tải quốc tế), được tính cho một thời kỳ nhất định và tính theo một loại tiền thống nhất là đô la Mỹ.

Lượng và giá trị nhập khẩu một số mặt hàng vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản (Mã số 2204): Nhập khẩu mặt hàng vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản là các mặt hàng vật tư nông nghiệp hoặc sản phẩm nông lâm thủy sản được đưa từ nước ngoài vào Việt Nam, làm tăng lượng vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông lâm thủy sản trong nước. Giá trị nhập khẩu được tính theo giá CIF, là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, được tính cho một thời kỳ nhất định, tính theo một loại tiền thống nhất là Đô la Mỹ.

Quyết định số 3201/QĐ-BNN-KH ngày 26 tháng 11 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê và Chế độ báo cáo thống kê ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó. Thông tư 16/2020/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 02 năm 2021.

Chi tiết thông tư: Tại đây

Chi tiết Phụ lục 1: Tại đây

Chi tiết Phụ lục 2: Tại đây

Khánh Toàn – TH

TIN KHÁC