Nuôi, cấy trai nước ngọt lấy ngọc là kỹ thuật mới, tương đối phức tạp, song anh Nghiêm Quang Tuấn (ở huyện M’Đrắk) bước đầu đã thành công với việc đưa con trai từ tỉnh Ninh Bình lên cao nguyên nuôi; thử nghiệm cấy tế bào và nhân cho trai.

      Năm 1996, anh Tuấn đưa gia đình từ tỉnh Thanh Hóa vào huyện M’Đrắk mở một xưởng mộc nhỏ. Nhờ chăm chỉ lại có tay nghề cao nên xưởng mộc của anh Tuấn nhanh chóng thu hút khách hàng, kinh tế gia đình dần ổn định với mức thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, việc mỗi ngày cưa, đục, đẽo… gỗ tạo ra nhiều bụi bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe của các thành viên trong gia đình, nên anh Tuấn quyết định chuyển đổi nghề.

Anh Nghiêm Quang Tuấn (huyện M’Đrắk) điều chỉnh giàn cố định nuôi dưỡng trai vừa cấy nhân trong ao.

      Năm 2015, trong một lần xem ti vi, anh Tuấn biết đến mô hình nuôi trai lấy ngọc ở tỉnh Ninh Bình. Như bắt được vàng, anh bắt xe ra tận nơi để học kỹ thuật nuôi cấy trai nước ngọt lấy ngọc. “Có nhiều người cho rằng tôi mơ mộng, ngay cả vợ cũng can ngăn, bởi mức thu nhập cao như tôi khá ít”, anh Tuấn tâm sự.

      Thời gian ở Ninh Bình, anh Tuấn còn dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về nguồn nước, nhiệt độ, khí hậu… với quyết tâm xây dựng thành công mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc trên quê hương thứ hai. Tháng 10-2015, anh Tuấn đầu tư hơn 350 triệu đồng nhập hai tấn con trai đen cánh dày từ  tỉnh Ninh Bình về huyện M’Đrắk nuôi thử nghiệm ở ao nhân tạo trong nhà nhưng thất bại. Không bỏ cuộc, cuối năm 2015, anh Tuấn tiếp tục nhập thêm một tấn con trai về nuôi ngoài ao đất, qua một tháng tỷ lệ con trai còn sống được 20% (300 con). “Dù tỷ lệ sống của con trai thấp, nhưng đó là cơ hội để mình bắt trai nhả ngọc”, anh Tuấn nhớ lại quyết tâm của mình lúc ấy.

Anh Nghiêm Quang Tuấn (huyện M’Đrắk) tách con trai đã nhả ngọc hơn 9 tháng

      Từ số trai còn sống, anh Tuấn chọn những con trai dưới 3 tuổi, khỏe và không bị dị tật để lấy mô tế bào; sau đó cấy mô tế bào và nhân (đây là công đoạn quyết định cho ra sản phẩm ngọc trai) vào khu vực xoang màng áo ngoài của con trai. Sau đó, thả cố định bằng giàn dưới ao để nuôi dưỡng để đảm bảo con trai ngậm nhân tốt nhất, qua 10 ngày sẽ được thả nuôi tự do dưới ao. Đến cuối năm 2017, lứa trai cấy đầu tiên cho thu hoạch với 400 viên ngọc, gồm các màu: tím, hồng ngọc, hồng… mang về cho anh Tuấn 70 triệu đồng.

“Mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc là cơ hội xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch địa phương”.

Ông Trịnh Bá Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đắk Lắk

      Với thành công ban đầu, anh Tuấn “liều” thử nghiệm cấy tế bào và nhân cho 500 con trai bùn (giống trai bản địa của Đắk Lắk). Đến nay, tỷ lệ sống của con trai bùn đạt 30%. Anh Tuấn chia sẻ: “Với con trai đen cánh dày ở Ninh Bình chỉ có thể cấy nhân 4 – 6 ly, còn con trai bùn Đắk Lắk có thể cấy nhân 8 ly – 1,1 phân. Sau 2 năm nuôi dưỡng, con trai bùn sẽ nhả ngọc đạt kích cỡ 1,2 – 1,5 phân. Trên thị trường, ngọc trai kích cỡ 1,5 phân có giá lên đến 1,5 triệu đồng/viên”.

      Anh Tuấn cho biết thêm, thức ăn chủ yếu của con trai là phù du do cá, tôm… thải ra, sau khi ăn sẽ nhả ô xi để cung cấp cho nguồn nước. Đặc biệt, con trai sống ở tầng đáy nên có thể kết hợp để nuôi các loài thủy sản khác nhằm tăng thêm thu nhập trên một diện tích mặt nước. Chính vì vậy, anh Tuấn đã ký hợp đồng với một số hộ nuôi cá ở xã Krông Á, Cư M’ta, Ea Lai, Krông Jing và thị trấn M’Đrắk mở rộng mô hình nuôi thử nghiệm từ 3 ao ban đầu lên 13 ao.  Anh đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để thả 70.000 con trai được cấy từ 2 – 4 nhân/con. Với tỷ lệ sống 90% thì đến cuối năm 2020, anh Tuấn sẽ thu được 140 nghìn viên ngọc trai.

Anh Nghiêm Quang Tuấn (huyện M’Đrắk) thực hiện công đoạn cấy tế bào và nhân vào con trai

      Theo Chi cục thủy sản Đắk Lắk, nghề nuôi trai cấy ngọc không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao từ các sản phẩm ngọc trai mà còn tận dụng được vỏ để làm đồ thủ công mỹ nghệ, thịt trai dùng làm thực phẩm hoặc thức ăn chăn nuôi; phân bón vi sinh… Còn quá sớm để khẳng định hiệu quả của mô hình này, tuy nhiên với tài nguyên nước dồi dào, điều kiện khí hậu của tỉnh Đắk Lắk rất thích hợp cho việc nuôi trai.

Nguồn: Hoàng Cát Tiên (Báo Đắk Lắk)

TIN KHÁC