Ngày 24/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 434/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 – 2030.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm chủ động phòng, khống chế các bệnh nguy hiểm ở tôm nuôi nước lợ, bảo đảm diện tích bị bệnh thấp hơn 10% tổng diện tích nuôi; các bệnh ở cá tra nuôi đảm bảo diện tích bị bệnh thấp hơn 8% tổng diện tích nuôi; chủ động phòng bệnh, khống chế một số bệnh nguy hiểm ở tôm hùm, bảo đảm số tôm hùm nuôi bị bệnh thấp hơn 15% tổng diện tích nuôi; ở ngao/nghêu, tu hài, hàu, bảo đảm diện tích bị bệnh thấp hơn 5% tổng diện tích nuôi; chủ động giám sát phát hiện và khống chế kịp thời một số bệnh nguy hiểm trên các đối tượng thủy sản nuôi khác, không để mầm bệnh lây lan rộng; ngăn chặn có hiệu quả một số tác nhận gây bệnh nguy hiểm, nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam các bệnh mới nổi; xây dựng thêm ít nhất 30 cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản ATDB đối với một số bệnh nguy hiểm theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và quy định của Bộ NN-PTNT để phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Chất lượng con giống tốt, được kiểm dịch sẽ giảm thiểu dịch bệnh

Để phòng và khống chế có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm, Kế hoạch đã đề ra một số giải pháp như: Tuân thủ các quy định về điều kiện cơ sở nuôi, xử lý nước thải, chất thải theo quy định, mùa vụ thả giống, chất lượng con giống được kiểm dịch theo quy định; áp dụng các quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý chăm sóc ao nuôi (VietGAP, GlobalGAP…) ; áp dụng các biện pháp hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nhằm giảm thiểu nguy cơ bắc bệnh. Áp dụng các biện pháp phòng bệnh, chống dịch, xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y…, xem xét, sử dụng vacxin để chủ động phòng bệnh cho động vật thủy sản để giảm thiểu sử dụng kháng sinh, ngăn ngừa kháng thuốc trong nuôi trồng thủy sản. Triển khai giám sát bị động, giám sát chủ động tại các vùng nuôi và cơ sở nuôi trồng thủy sản; kiểm dịch, kiểm soát động vật, sản phẩm động vật thủy sản… tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản; tổ chức xây dựng một số vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản ATDB để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi.

Phối hợp liên ngành kiểm tra về điều kiện cơ sở nuôi, xử lý nước thải, chất thải theo quy định

Một số bệnh nguy hiểm thường gặp trên thủy sản nước ngọt bao gồm: 
– Trên cá Tra nuôi: bệnh gan thận mủ (ESC), bệnh xuất huyết.
– Trên cá chép, trắm, trôi, mè: Bệnh xuất huyết mùa xuân ở cá chép (SCV), bệnh do Koi Herpes virus (KHV), bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Streptocoscus.
– Trên cá hồi: Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu (IHNV).

– Trên cá rô phi, cá điêu hồng: Bệnh do TilV (TiLV) và bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Streptocoscus.
– Trên tôm càng xanh: bệnh trắng duôi (WTD).

Công tác kiểm tra giám sát chủ động tại các vùng nuôi và cơ sở nuôi trồng thủy sản được quan tâm

Để triển khai thực hiện có hiệu quả, Thủ tướng giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế để tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi trong giai đoạn từ năm 2021 – 2030, cụ thể:

(1) Hằng năm, căn cứ các nội dung của bản Kế hoạch quốc gia, kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ đạo xây dựng dự toán kinh phí thực hiện các nội dung của Kế hoạch quốc gia, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
(2) Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y và Tổng cục Thủy sản.
(3) Căn cứ vào thực tế nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, hằng năm giao cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh xây dựng, trình cấp có thẩm quyền của địa phương phê duyệt, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát chủ động lưu hành tác nhân gây bệnh thủy sản tại các vùng nuôi thủy sản trọng điểm, vùng nuôi thủy sản công nghệ cao, cơ sở sản xuất giống thủy sản, vùng đệm của cơ sở ATDB,… của địa phương để cảnh báo và triển khai các hoạt động phòng chống dịch cho phù hợp và hiệu quả.
(4) Lựa chọn một số doanh nghiệp sản xuất thủy sản để xuất khẩu, các cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn để hỗ trợ giám sát dịch bệnh và hỗ trợ chuyên môn trong quá trình xây dựng cơ sở ATDB.
(5) Căn cứ nhu cầu và nguồn lực của địa phương, yêu cầu của doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản, tổ chức xây dựng vùng, cơ sở ATDB, vùng đệm cơ sở ATDB theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và khuyến cáo của OIE.
(6)Tổ chức tuyên truyền, đào tạo tập huấn về phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021 – 2030 theo Kế hoạch quốc gia và theo yêu cầu quản lý của địa phương.
Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương  bố trí ngân sách, nguồn lực để triển khai kế hoạch này.

Nội dung chi tiết Quyết định số 434/QĐ-TTg xem tại đây

Bài và ảnh: Khánh Toàn

TIN KHÁC