“Nhiệm vụ đặt ra cho tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới về phát triển kinh tế nông nghiệp là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp” – Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Những “điểm nghẽn”, thách thức của nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk

Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2022 diễn ra sáng nay (28/4), Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, từ năm 2010 đến 2021, đã có 73 dự án đầu tư vào Đắk Lắk, với tổng số vốn 4.350 tỷ đồng. 

Hiện, trên địa bàn có 33 dự án đang làm hồ sơ thủ tục đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 21.000 tỷ đồng; 109 dự án, khu vực đề xuất kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản với tổng vốn dự kiến khoảng 18.000 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều nhà đầu tư quy mô lớn như Tập đoàn TH, Tập đoàn Xuân Thiện, Chánh Thu, De Heus…

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Đắk Lắk, diễn ra sáng nay 28/4. Ảnh: Ánh Dương

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, với lợi thế vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên nên trong những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng của Đắk Lắk đã được đầu tư nhanh, đồng bộ, hệ thống giao thông khá hoàn chỉnh, kết nối vùng Tây Nguyên với các tỉnh Đông Nam Bộ và Duyên hải Miền Trung.

Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung, năm 2021 Đắk Lắk vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 5,1%, trong đó ngành nông nghiệp đạt 4,49%, GDP bình quân đầu người đạt trên 49,98 triệu đồng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, để khai thác tiềm năng và thế mạnh của vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng, Bộ NNPTNT cùng tỉnh Đắk Lắk luôn trân trọng vị thế, vai trò của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong phát triển kinh tế – xã hội.

“Bộ NNPTNT và tỉnh Đắk Lắk nhất quán quan niệm doanh nghiệp là đối tác đồng hành, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; áp dụng cơ chế hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, ưu tiên thực hiện các công trình cấp thiết, có tính lan tỏa cao. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu; đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt chú trọng cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch, nhằm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp” – Thứ trưởng nói. 

Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Phương Hằng

Bên cạnh những thành tựu đạt được thời gian qua, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chỉ rõ đối với Đắk Lắk, còn nhiều điểm nghẽn, thách thức cần vượt qua. 

Đó là giá đầu vào sản xuất tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm lại thấp; việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chưa đồng bộ, chưa tập trung đi vào bảo quản, chế biến sâu, giá trị gia tăng thấp. 

Hệ thống logictics và kho lạnh bảo quản chưa đáp ứng đủ nhu cầu, cơ chế vận hành, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị bền vững chưa chặt chẽ. 

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn manh mún, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; Số nông dân tham gia HTX, tổ hợp tác vẫn còn thấp, quy mô và chất lượng hoạt động của HTX chưa cao; Tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chủ đạo; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao… 

Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng mất rừng vẫn diễn ra…

Để phát huy có hiệu quả cao nhất các tiềm năng và lợi thế, dư địa và chủ động vượt qua mọi rào cản, thách thức, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ Nông nghiệp và PTNT mong muốn Đắk Lắk và các nhà đầu tư vào nông nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong khu vực thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ.

Thứ nhất, triển khai có hiệu quả các nội dung đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050″.

Thứ hai, căn cứ điều kiện thực tế của tỉnh, hàng năm đề xuất danh mục các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện của địa phương. Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ chuyển giao kỹ thuật, công nghệ.

Thứ ba, tập trung đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo về tiến độ, chất lượng theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT; đồng thời đề xuất với Bộ Nông nghiệp và PTNT những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Thứ tư, tăng cường xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, đối tác chiến lược đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, kết nối thị trường để định hướng sản xuất và quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. 

Chú trọng xây dựng các kênh tiêu thụ, kết nối cung cầu giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối ở trong và ngoài nước. Quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm của địa phương.

Nguồn: danviet.vn

TIN KHÁC