Mô hình đồng quản lý trong nghề cá đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đây được xem là một phương pháp quản lý triển vọng hơn thay thế cho phương pháp quản lý tập trung kém hiệu quả. Phương pháp này thúc đẩy sự tự chủ trong quản lý và khai thác tài nguyên bền vững của cộng đồng thay vì phụ thuộc vào các giải pháp được đưa ra bởi các cơ quan quản lý. Mô hình này được kỳ vọng là sẽ góp phần giải quyết các vấn đề về an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo bền vững cho cộng đồng và địa phương. Việc áp dụng mô hình này cũng gặp phải nhiều thách thức về chính sách, thể chế và năng lực cũng như sự sẵn sàng của cộng đồng. Kinh nghiệm từ trường hợp của tỉnh Đắk Lắk và hồ Lắk cho thấy các mô hình này vận hành tốt khi có sự can thiệp của các dự án phát triển. Tuy nhiên, nó sẽ không bền nếu thiếu đi sự can thiệp và hỗ trợ chính thống của nhà nước và cơ quan chức năng thông qua môi trường pháp lý và cơ chế phối hợp quản lý. Năng lực của cộng đồng cũng là điều cần được chú ý một cách nghiêm túc. Nếu họ chưa được trang bị đủ để lĩnh hội và tham gia thì sự thành công của mô hình sẽ không đạt được.

Thực trạng và tính cấp thiết của việc áp dụng mô hình                            

      Huyện Lắk là một trong những huyện có tiềm năng phát triển du lịch mạnh mẽ của tỉnh Đắk Lắk do có nhiều cảnh vật thiên nhiên, tài nguyên du lịch phong phú; địa hình núi và cao nguyên hùng vĩ; mạng lưới sông suối, hồ đầm tự nhiên đa dạng. Đặc biệt, khu vực hồ Lắk với diện tích khoảng 600ha – là hồ tự nhiên lớn nhất trên địa bàn tỉnh, có phong cảnh thiên nhiên rất đẹp, khí hậu ôn hòa, hồ Lắk được xem là một thắng cảnh tuyệt vời trong khu vực Tây nguyên cũng như trên cả nước.

Hồ Lắk, huyện Lắk

      Hiện nay, do nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương, việc khai thác sử dụng hồ Lắk đang ngày càng đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết một cách thấu đáo và đảm bảo hài hòa nhu cầu của các ngành. Các hoạt động khai thác chính trên hồ Lắk hiện tại bao gồm đánh bắt thủy sản, du lịch, sử dụng nước cho nông nghiệp (theo mùa) và nước sinh hoạt.

Về hoạt động khai thác thủy sản:

      Hoạt động khai thác thủy sản khu vực hồ Lắk chủ yếu đánh bắt các loài cá tự nhiên phục vụ cho đời sống hàng ngày và đang cần có những thay đổi để hướng đến khai thác bền vững. Với nhu cầu của dân số ngày càng tăng, hoạt động khai thác tự nhiên ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, đáng chú ý là phương thức khai thác thiếu bền vững và có nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Công tác quản lý nguồn lợi thủy sản trên hồ hiện đã có nhiều nỗ lực tham gia của các bên liên quan, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu nguồn lực và sự hợp tác đồng bộ từ các cấp.

      Về phía sự tham gia của cộng đồng, trên địa bàn hồ Lắk có 01 hội nghề cá đó là Hội nghề cá hồ Lắk và một số hộ ngư dân khác khai thác, đánh bắt nguồn lợi thủy sản trên hồ Lắk. Vai trò của Hội là vừa đánh bắt, vừa quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhằm đánh bắt mang lại hiệu quả và hạn chế suy giảm nguồn lợi. Tuy nhiên sau gần 10 năm hoạt động, do không tự chủ được nguồn kinh phí nên hiện nay hầu như không có hoạt động quản lý mà tiến hành đánh bắt theo hướng tự do. Năm 2016, Hội được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD) hỗ trợ tái cơ cấu lại và xây dựng năng lực để chuẩn bị phục hồi hoạt động trong thời gian tới.

Các hoạt động khai thác khác

      Bên cạnh khai thác thủy sản, người dân ở xung quanh hồ Lắk còn tận dụng mặt nước và khai thác các nguồn lợi khác như ngó sen. Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch sinh thái cũng phát triển mạnh hơn so với trước đây và được xem là một định hướng mới trong phát triển sinh kế của địa phương. Hồ Lắk được xác định là một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh.

Hoạt động du lịch đang diễn ra tại hồ Lắk

      Trên thực tế, các vấn đề liên quan đến hồ Lắk bao gồm cả vấn đề về tài nguyên nước và thủy sản, đa dạng sinh học, chia sẻ quyền tiếp cận và quyền của các nhóm sử dụng khác nhau.

       Từ những vấn đề nói trên, CSRD nhận thấy rằng cần phải có một phương pháp quản lý tổng hợp hướng đến khai thác bền vững hồ nước tự nhiên có nhiều giá trị này. Trong thời gian thực hiện dự án, một điểm thuận lợi tạo điều kiện cho CSRD có thể tiến hành các hoạt động của mình có hiệu quả là việc ban hành Luật Thủy sản sửa đổi với việc công nhận chính thức mô hình đồng quản lý. Điều này giúp cho Chi hội và chính quyền địa phương mạnh dạn hơn trong việc thúc đẩy mô hình và phối hợp với dự án để có được kết quả tốt đẹp.

Phân vùng mặt nước và thúc đẩy mô hình đồng quản lý

      Dựa trên kinh nghiệm đã từng thực hiện một số mô hình đồng quản lý trên đầm phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế, CSRD đã mạnh dạn xin chủ trương của UBND huyện Lắk để tiến hành mô hình tương tự cho hồ Lắk trên cơ sở ghi nhận những hạn chế dẫn đến việc không thành công của Chi hội trong thời gian trước.

      Trình tự thực hiện hoạt động như sau:

Các bước thúc đẩy mô hình đồng quản lý hồ Lắk

      Vị trí xác định phân vùng sử dụng mặt nước hồ Lắk bao gồm toàn bộ bề mặt nước hồ, thuộc địa bàn các xã Đắk Liêng, xã Yang Tao và thị trấn Liên Sơn, diện tích khoảng 600ha. Mục tiêu của phương án là duy trì bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường hồ Lắk và xây dựng cơ sở thực hiện giải pháp đồng quản lý, sử dụng hợp lý mặt nước hồ Lắk. Việc phân vùng được thực hiện dựa trên quan điểm phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học và môi trường hồ Lắk và phân vùng sử dụng mặt nước trên cơ sở đồng quản lý.

Phương án khoanh vùng được lựa chọn dựa trên các tiêu chí bền vững cũng như rà soát các chính sách hiện hành

Tiến hành cắm mốc và lắp đặt bảng hướng dẫn khai thác sử dụng mặt nước ở hồ Lắk

      Cụ thể, đối với hồ Lắk, nếu triển khai thành công mô hình đồng quản lý thì sẽ tránh được việc khai thác quá mức bằng các ngư cụ hủy diệt, từ đó tránh được vấn đề cạn kiệt tài nguyên. Bên cạnh đó, một số khu bảo vệ và bãi đẻ được thành lập, giúp có thể duy trì môi trường sống cho các loài đặc trưng như cá bống, thác lác…và tái tạo được nguồn cá trong hồ. Đồng thời, cảnh quan của hồ cũng được bảo vệ để phục vụ cho các mục đích sử dụng khác. Từ mô hình này, sự mâu thuẫn trong cộng đồng cũng sẽ được giảm do không còn việc một số người đánh bắt hủy diệt làm ảnh hưởng đến sinh kế của những người khác, hay sự chồng chéo ở khu vực đánh bắt với tuyến thuyền du lịch gây hư hại ngư cụ. Khi đã được khoanh vùng và cấp quyền thì các hoạt động khai thác được xác định phạm vi rõ ràng, trách nhiệm các bên liên quan cao hơn để cùng tuân thủ các nguyên tắc chung. Đồng quản lý ở đây có thể hướng tới khai thác tổng hợp đa ngành theo hướng phát triển bền vững.

      Từ kinh nghiệm thực hiện dự án liên quan đến quản trị tài nguyên cho thấy mô hình đồng quản lý là một phương án có nhiều ưu điểm. Khi thực hiện thành công mô hình này, chúng ta có thể đạt được các lợi ích về môi trường, xã hội và kinh tế. Thông qua phương pháp này, cá nhân và cộng đồng được lớn mạnh hơn nhờ vào việc nâng cao kiến thức, nhận thức và kỹ năng. Đây cũng là phương pháp có thể phát huy tốt các kiến thức bản địa.

      Tuy nhiên, phương pháp này cũng có một số thách thức nhất định đó là đòi hỏi phải áp dụng linh hoạt để phù hợp với hoàn cảnh của từng cộng đồng, địa phương, không thể áp dụng một cách rập khuôn. Ngoài ra, phương pháp này yêu cầu khả năng lãnh đạo của cộng đồng và thể chế phải được xây dựng và đôi khi vượt quá năng lực của cộng đồng.

Thanh Tâm – CSRD

TIN KHÁC