Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 1 triệu km2, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ (2.773 đảo ven bờ và hơn 200 đảo xa bờ), có 114 cửa sông, 12 đầm phá, 50 vũng/vịnh ven bờ, trong đó vùng nội thủy, lãnh hải chiếm 37% diện tích, có nhiều đảo, cụm đảo xen kẽ tạo nên tính đa dạng về cảnh quan tự nhiên, sinh thái và nguồn lợi thủy sản, đóng vai trò quan trọng cho hoạt động khai thác thủy sản, phát triển ngành kinh tế biển nói chung, kinh tế thủy sản nói riêng.

Bên cạnh đó, Việt Nam có mạng lưới sông ngòi dày đặc với tổng chiều dài hơn 41.900 km, 2.360 con sông có chiều dài từ 10 km trở lên; trong đó, có 109 sông chính và hàng nghìn hồ chứa tự nhiên và nhân tạo, đây là hệ thống thủy vực có mức độ đa dạng sinh học nguồn lợi thủy sản cao, đặc biệt là hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đồng Nai, sông Cửu Long. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 544 loài cá nước ngọt (243 loài cá ở các sông miền Bắc, 134 loài ở miền Trung và 255 loài ở miền Nam), 700 loài động vật không xương sống, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm có giá trị về kinh tế, khoa học. Tiềm năng thủy sản tự nhiên ở các vùng nước nội địa của Việt Nam rất lớn để phát triển khai thác, nuôi trồng và duy trì sinh kế cho người dân.

Trong những năm qua, ngành Thủy sản đã phát triển tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Năm 2019, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) đạt 6,25% so với năm 2018, tổng sản lượng đạt khoảng 8,15 triệu tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó sản lượng khai thác đạt 3,77 triệu tấn, tăng 4,5%, nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn, tăng 5,2%. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 8,6 tỷ USD. Sự phát triển của ngành Thủy sản đã góp phần quan trọng vào quá trình xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho cộng đồng ngư dân, cải thiện an ninh lương thực, bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Tuy nhiên, ngành Thủy sản đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có sự suy giảm nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực nội địa, vùng biển và ven biển, nguyên nhân chủ yếu là do số lượng tàu cá khai thác thủy sản quá nhiều, đặc biệt tàu cá công suất nhỏ khai thác ven bờ với nghề khai thác thiếu thân thiện với nguồn lợi; khai thác thuỷ sản sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc; khai thác sai vùng của tàu cá có chiều dài lớn hoạt động ở vùng biển ven bờ; kích thước mắt lưới của ngư cụ khai thác nhỏ hơn so với quy định (nghề đăng đáy, nghề lồng xếp…); ô nhiễm môi trường do phát triển của một số ngành kinh tế khác như công nghiệp, du lịch…

Để từng bước phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, ngày 13 tháng 02 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 188/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 với mục tiêu bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản, các loài thủy sản có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ; gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản nhằm phát triển ngành khai thác thủy sản bền vững, đồng thời giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật biển Việt Nam..

Hiện nay, tình hình trong nước và bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã tác động sâu sắc đến hoạt động sản xuất kinh doanh thủy sản nói chung và công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói riêng. Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng với nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, tạo nhiều cơ hội cho ngành Thủy sản mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cùng với đó, tình hình an ninh trên Biển Đông diễn biến phức tạp, các nước trong khu vực tăng cường tuần tra trên biển, bắt giữ, xử lý tàu cá nước ngoài xâm phạm trái phép.

Năm 2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thủy sản thay thế Luật Thuỷ sản 2003 với nguyên tắc, khai thác nguồn lợi thủy sản phải căn cứu và trữ lượng nguồn lợi thủy sản, găó bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học; với cách tiếp cận thận trọng, dựa vào hệ sinh thái và các chỉ số khoa học trong quản lý hoạt động thuỷ sản để bảo đảm phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm; trong đó có 01 chương quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Cùng với đó, một số Nghị quyết của Đảng và Nhà nước cũng đã đề cập đến tầm quan trọng của công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, thể hiện quyết tâm của hệ thống chính trị đối với bảo vệ nguồn lợi thủy sản (như Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng; Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ).

Hằng năm, Tổng cục Thủy sản tham mưu, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; thực hiện điều tra nghề cá thương phẩm; tăng cường công tác thành lập và quản lý khu bảo tồn biển; hướng dẫn về công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;…

Nội dung chủ yếu của Chương trình 188 cơ bản đều đã được triển khai thực hiện bao gồm: điều tra nguồn lợi, ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái. Trong đó, một số nội dung chưa có kết quả như: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản; thành lập và đưa vào hoạt động 45 khu bảo tồn vùng nước nội địa theo quy hoạch đã được phê duyệt; thành lập 03 trạm cứu hộ động vật biển tại ba miền: Bắc, Trung, Nam.

Các dự án ưu tiên nhóm B (dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp) có 4/5 dự án được thực hiện; dự án ưu tiên nhóm A (dự án đầu tư) có 01/02 dự án được phê duyệt, triển khai.

Theo báo cáo của 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Phụ lục 1), tính đến năm 2020 đã có 23 tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình 188; 29 tỉnh xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chương trình 188 và triển khai thực hiện các dự án theo danh mục dự án ưu tiên của Quyết định 188/QĐ-TTg ngày 13/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án được triển khai chủ yếu tập trung truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản; một số tỉnh đã tổ chức điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, như: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Gia Lai, Đắc Lắc, Đồng Nai… làm cơ sở cho công tác quản lý, phát triển thủy sản tại địa phương.

Điều tra nguồn lợi thuỷ sản ở biển

Từ năm 2010 đến nay, hoạt động điều tra, đánh giá nguồn lợi thuỷ sản trên các vùng biển đã đánh giá được hiện trạng thành phần loài, trữ lượng các nhóm nguồn lợi và hiện trạng một số hệ sinh thái điển hình tạo cơ sở khoa học cho việc xây dựng, ban hành các quy định pháp luật, chính sách phát triển kinh tế biển nói chung và ngành Thủy sản nói riêng.

Giai đoạn 2011-2015 đã đánh giá được hiện trạng thành phần loài, trữ lượng các nhóm nguồn lợi và có sự so sánh với các kết quả điều tra của giai đoạn trước (2000-2005) làm căn cứ xây dựng, hoạch định các chính sách có liên quan. Các đánh giá cụ thể như sau:

Về thành phần loài: Giai đoạn 2011-2015 đã xác định được 1.081 loài thủy sản, bao gồm 881 loài cá, 115 loài giáp xác, 41 loài động vật chân đầu, 44 loài thuộc nhóm khác.

So với giai đoạn 2000-2005, tổng số loài bắt gặp không có sự biến động lớn nhưng cấu trúc thành phần loài có sự khác biệt đáng kể với 83 loài không bắt gặp trong giai đoạn 2011-2015.

Về trữ lượng: Giai đoạn 2011-2015, trữ lượng cá biển, giáp xác và động vật chân đầu ở vùng biển được điều tra là 4,36 triệu tấn, trong đó: trữ lượng nguồn lợi nhóm cá nổi nhỏ là 2,65 triệu tấn (chiếm 60,7% tổng trữ lượng); nhóm hải sản tầng đáy là 643 ngàn tấn (chiếm 14,7% tổng trữ lượng); nhóm giáp xác là 38,1 ngàn tấn (chiếm 0,9% tổng trữ lượng); nhóm cá sống trong vùng rạn san hô quanh đảo là 2,6 ngàn tấn (chiếm 0,1% tổng trữ lượng); nhóm cá nổi lớn là 1.031 ngàn tấn, (chiếm 23,6% tổng trữ lượng). Trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản ở vùng ven bờ và vùng lộng là 1.368 ngàn tấn (chiếm 31,4%); vùng khơi là 2.996 ngàn tấn (chiếm 68,6%).

So với giai đoạn 2000-2005, trữ lượng nhóm cá nổi nhỏ giảm 3,2%; nhóm hải sản tầng đáy giảm 41,7%; nhóm cá nổi lớn giảm 10,2%; trữ lượng các nhóm nguồn lợi hải sản chủ yếu thấp hơn 13,9% (tương đương khoảng 710 ngàn tấn); về tỷ trọng trong tổng trữ lượng: nhóm cá nổi tăng; nhóm hải sản tầng đáy giảm; nhóm cá nổi lớn ổn định (Hình 1).Xét theo vùng biển, trữ lượng nguồn lợi ở Vịnh Bắc Bộ ước tính khoảng 757 ngàn tấn (17,3%); vùng biển Trung Bộ là 868 ngàn tấn (19,9%); vùng biển Đông Nam Bộ là 1.119 ngàn tấn (25,6%); vùng biển Tây Nam Bộ là 584 ngàn tấn (13,4%) và giữa Biển Đông là 1.036 ngàn tấn (23,7%).

Khả năng khai thác cho phép trung bình ước tính khoảng 2,45 triệu tấn (dao động trong khoảng 2,27 đến 2,63 triệu tấn), trong đó, nhóm nguồn lợi tầng đáy đã chạm ngưỡng giới hạn; nhóm cá nổi (cá nổi lớn và cá nổi nhỏ) vẫn nằm trong giới hạn khai thác cho phép, một số nhóm nguồn lợi ở các vùng biển vẫn còn tiềm năng khai thác.

Về loài thuỷ sản có giá trị kinh tế, chiếm ưu thế về sản lượng

Các loài thủy sản có giá trị kinh tế, chiếm ưu thế về sản lượng bao gồm: (i) Nhóm cá nổi nhỏ và cá đáy chủ yếu là: cá nục sồ, cá sòng Nhật, cá ngân, cá bánh đường, cá mối thường, cá mối vạch, cá hố, cá úc, cá mối hoa, cá trác ngắn, cá phèn khoai, cá ngát, cá sạo, cá lượng, cá bạc má, cá ba thú, cá cơm, cá đù đầu to, cá sòng gió; (ii) nhóm cá nổi xa bờ chủ yếu là: cá ngừ vằn, cá vền, cá ngừ chù, cá ngừ ồ, cá ngừ chấm, cá ngừ phương đông, cá ngừ bò, cá thu ngàng, cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá nục heo; nhóm thủy đặc sản: mực ống, mực nang, mực lá, mực đại dương và tôm đất.

So với giai đoạn 2000-2005, tỉ lệ cá nổi nhỏ (cá nục sồ, cá sòng Nhật, cá ngân, cá bạc má, cá ba thú) và động vật chân đầu (mực nang, mực ống) trong tổng trữ lượng có chiều hướng tăng lên và tỉ lệ của nhóm cá đáy (cá bánh đường, cá mối, cá phèn, cá đù, cá lượng, cá trác) giảm đi. Nhìn chung, tỉ lệ các loài kinh tế có giá trị kinh tế chủ yếu giảm so với giai đoạn 2000-2005.

Điều tra nguồn lợi thuỷ sản vùng nội địa

Giai đoạn 2012-2017, hoạt động nghiên cứu điều tra nguồn lợi thủy sản tại một số thủy vực vùng nội địa đã được thực hiện, như nghiên cứu “Điều tra, khảo sát thực trạng nguồn lợi thuỷ sản và đề xuất giải pháp bảo vệ phát triển nguồn lợi thuỷ sản trên vùng hồ Sông Đà sau 30 năm ngập nước” (Nguyễn Xuân Huấn và cộng sự, 2013); điều tra, khảo sát khu hệ cá sông Đà thuộc địa phận Việt Nam (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, năm 2011 – 2012). Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản của một số tỉnh/thành phố đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện các điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản trên một số thủy vực tại địa phương như: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Nội, Gia Lai, Đắc Lắc, Đồng Nai, An Giang,…

Kết quả của những hoạt động nêu trên đã hỗ trợ cho công tác quản lý nguồn lợi thuỷ sản tại mỗi khu vực, địa phương. Tuy nhiên, các cuộc điều tra chỉ là thống kê xác định thành phần loài thuỷ sản, thiếu thông tin về trữ lượng nguồn lợi, hiện trạng quản lý và khai thác nguồn lợi thủy sản tại các thuỷ vực, khu vực được điều tra. Giai đoạn này chưa có được thông tin về nguồn lợi thuỷ sản vùng nội địa một cách đồng bộ, thống nhất để phục vụ công tác xây dựng, ban hành chính sách bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trên toàn quốc.

  Giai đoạn 2018-2020, hoạt động điều tra đánh giá nguồn lợi thuỷ sản và môi trường sống của loài thuỷ sản ở vùng nội địa đã được triển khai tại 09 thuỷ vực thuộc 07 vùng sinh thái nông nghiệp, bao gồm: hồ Hoà Bình, sông Hồng, sông Lam, sông Ba, sông Serepok, hồ Lăk, sông Đồng Nai, hồ Phước Hoà và vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long thông qua dự án “Điều tra nguồn lợi thuỷ sản vùng nội đồng giai đoạn 2018-2020”. Đến nay, kết quả bước đầu của Dự án đã xây dựng được quy trình, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật điều tra nguồn lợi thủy sản nội đồng. Kết quả điều tra đánh giá là nguồn số liệu đầu vào quan trọng phục vụ lập quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản đối với vùng nội địa ở nước ta.

Xây dựng hệ thống cơ sơ dữ liệu về nguồn lợi thuỷ sản

Dữ liệu điều tra, nghiên cứu đa dạng sinh học, nguồn lợi thuỷ sản, hải dương học và nghề cá biển Việt Nam giai đoạn trước năm 2010 do các đơn vị khác nhau thực hiện độc lập, phục vụ các mục tiêu khác nhau tại từng thời điểm nên thông tin, dữ liệu về nguồn lợi thủy sản nằm phân tán ở các đơn vị nghiên cứu trong cả nước, trong đó tập trung chủ yếu tại Viện Nghiên cứu Hải sản.

Từ năm 2010, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn lợi thuỷ sản biển Việt Nam đã được xác định thông qua dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu điều tra đa dạng sinh học, nguồn lợi, hải dương học và nghề cá biển” thuộc Nhiệm vụ số 8, Đề án 47. Tuy nhiên, việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn như: kinh phí hạn chế, gián đoạn thời gian thực hiện, việc điều chỉnh quy mô và nội dung dự án kéo dài, số lượng dữ liệu lớn nên đến nay hệ thống cơ sở dữ liệu vẫn trong quá trình xây dựng và hoàn thành 2020.

Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu về tàu cá, thống kê nghề cá cũng dần được đầu tư xây dựng và tích hợp chung vào hệ thống VNFishbase để phục vụ công tác quản lý, đến nay cơ bản số lượng tàu cá tham gia khai thác thủy sản là đối tượng quản lý theo quy định đã được đưa vào cơ sở dữ liệu. Việc thu thập nhật ký khai thác đã được triển khai nhưng chủ yếu chỉ phục vụ việc truy suất nguồn gốc sản phẩm phục vụ xuất khẩu, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu vào để điều tra nguồn lợi thông qua phương pháp điều tra nghề cá thương phẩm.

Cùng với cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, nguồn lợi hải sản sẽ được hoàn thành vào năm 2020, cơ sở dữ liệu nguồn lợi thuỷ sản vùng nội địa cũng sẽ tiếp tục được xây dựng trong khuôn khổ dự án “Điều tra nguồn lợi thuỷ sản vùng nội đồng giai đoạn 2018-2020” và hoàn thành trong năm 2021.

Mặc dù việc xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản được xác định là cần thiết từ những năm 2010, được hoàn thiện cơ sở pháp lý tại Luật Thủy sản năm 2017, quy định chi tiết tại Thông tư số 24/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cập nhập, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản nhưng đến nay vẫn chưa có được một hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ để phục vụ công tác quản lý, xây dựng chính sách về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Nguồn: tongcucthuysan

TIN KHÁC