Tại dự thảo, Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất nâng mức kinh phí hỗ trợ vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để khôi phục sản xuất lên 1,25 – 2 lần so với kinh phí hỗ trợ hiện tại.

Ảnh minh họa

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang lấy ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương liên quan về Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Theo báo cáo của các địa phương, sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị định, tổng kinh phí đã hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất là 5.210 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ đã góp phần giúp người dân có một phần kinh phí để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, giúp người dân từng bước ổn định đời sống. Tuy nhiên, qua báo cáo của các địa phương và các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ NN&PTNT, khi áp dụng Nghị định đã phát sinh những tồn tại, bất cập về đối tượng hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ… cần có những sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT cho rằng, mức hỗ trợ quy định từ năm 2017, trong khi giá thị trường hiện nay đã biến đổi rất nhiều, do vậy mức hỗ trợ trong nghị định là thấp và không phù hợp với thời điểm hiện tại. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi, hình thức nuôi chưa được quy định trong Nghị định dẫn đến khó khăn trong công tác hỗ trợ khôi phục sản xuất.

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai đã có một số bất cập như: Mức hỗ trợ với dịch bệnh là cố định trong khi giá thị trường luôn biến động gây khó khăn khi xảy ra dịch do nếu mức hỗ trợ cao hơn so với giá thị trường có thể xuất hiện tình trạng người chăn nuôi không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch làm dịch bệnh lây lan để nhận hỗ trợ; nếu mức hỗ trợ quá thấp so với giá thị trường có thể xảy ra tình trạng giấu dịch, bán chạy gia súc, gia cầm bệnh làm lây lan dịch.

Bên cạnh đó, hiện nay một số bộ luật đã được sửa đổi bổ sung do đó cần phải điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan mới được điều chỉnh. Điển hình như, trong Luật Thuỷ sản năm 2017, Luật Chăn nuôi năm 2018, đã có các quy định về kê khai (với chăn nuôi), đăng ký, cấp phép, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nuôi trồng với thuỷ sản, do đó, cần điều chỉnh quy định đối với việc sản xuất, đăng ký kê khai ban đầu nhằm đảm bảo sự phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành trong sản xuất nông nghiệp.

Điều kiện được hỗ trợ phải có đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận đối với chăn nuôi tập trung hoặc có giấy chứng nhận kiểm dịch.Với nuôi trồng thủy sản, do các hộ sản xuất chủ yếu là hộ nhỏ lẻ, sản xuất hộ gia đình nên hầu hết không thực hiện kê khai ban đầu hoặc không có giấy chứng nhận kiểm dịch; người nuôi trồng thủy sản thường chung nhau mua giống, nhưng Giấy chứng nhận kiểm dịch cấp theo lô nên nhiều hộ nuôi không có giấy khi làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ; không có hồ sơ lưu trữ sản xuất… dẫn đến không đủ điều kiện để được hỗ trợ.

Chu kỳ nuôi thủy sản đối với lồng, bè trên biển thường kéo dài từ 12 đến 24 tháng; người dân thả giống vào nhiều thời điểm khác nhau; số hộ nuôi trồng lồng bè trên biển của một số tỉnh là rất lớn và tại các vùng biển cách bờ rất xa (5-15 km), gây khó khăn cho cán bộ cấp xã trong việc kiểm tra, xác nhận vào kê khai theo quy định (thực hiện kê khai và được xác nhận ngay khi thực hiện nuôi trồng.

Trước thực tế trên, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, Bộ NN&PTNN đề xuất nâng mức hỗ trợ đối với cơ sở sản xuất lên 1,25 – 2 lần so với hiện tại.

Cụ thể, về hỗ trợ đối với nuôi trồng thủy, hải sản, Bộ NN&PTNT đề xuất, diện tích nuôi tôm quảng canh (nuôi tôm lúa, tôm sinh thái, tôm rừng, tôm kết hợp) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 7 triệu – 10 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ từ 4 – 6 triệu đồng/ha.

Diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 10 triệu – 18 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ từ 5 triệu – 10 triệu đồng/ha; Diện tích nuôi tôm sú bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 15 triệu – 20 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ từ 10 triệu – 15 triệu đồng/ha. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 40 triệu – 50 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ từ 20 triệu – 30 triệu đồng/ha.

Đối với diện tích nuôi nhuyễn thể bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 50 triệu – 65 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ từ 40 triệu – 45 triệu đồng/ha. Diện tích nuôi cá tra thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ từ 25,5 triệu – 30 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% – 70%, hỗ trợ từ 15 triệu – 20 triệu đồng/ha…

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đề xuất mức hỗ trợ đối với nuôi gia súc, gia cầm; Hỗ trợ đối với sản xuất muối. Đối với các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại chưa được quy định tại Nghị định này, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, đặc điểm sản xuất và yêu cầu thực tế tại địa phương để quy định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp.

Nguồn: tongcucthuysan.gov.vn

TIN KHÁC